Đảng ủy Vinataba tham dự hội nghị bồi dưỡng, cập nhật kiến thức theo Quy định số 164-QĐ/TW

Tin Đảng-Đoàn 04/03/2024

Ngày 15/3, tại Hà Nội, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương tổ chức Hội nghị trực tuyến theo Quy định 164-QĐ/TW của Bộ Chính trị về chế độ bồi dưỡng, cập nhật kiến thức đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp theo hình thức trực tiếp và trực tuyến tới các đảng ủy trực thuộc. Đảng ủy Tổng công ty thuốc lá Việt Nam (Vinataba) tham dự từ đầu cầu trụ sở chính và 23 điểm cầu tại các tổ chức đảng trực thuộc.

Tham dự hội nghị tại điểm cầu chính của Tổng Công ty có đồng chí Hồ Lê Nghĩa – Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tổng Công ty cùng 43 đồng chí là Ủy viên Ban Thường vụ, Ủy viên BCH, Ủy viên Ủy ban kiểm tra Đảng ủy Tổng Công ty, Hội đồng thành viên, Ban Tổng giám đốc, Kiểm soát viên Tổng Công ty, các cơ quan tham mưu, giúp việc Đảng ủy; đại diện lãnh đạo các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội Công đoàn, Đoàn thanh niên Tổng Công ty.

Tại điểm cầu kết nối tới các tổ chức đảng trực thuộc có 320 đồng chí là cấp ủy viên cơ sở, ủy viên Ủy Ban kiểm tra, lãnh đạo chính quyền, các tổ chức đoàn thể cơ sở, bí thư các chi bộ trực thuộc Đảng ủy cơ sở,…

Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe chuyên đề “Tổng quan kinh tế Việt Nam năm 2023; dự báo, triển vọng năm 2024” do đồng chí Phan Đức Hiếu, Uỷ viên Thường trực Uỷ Ban Kinh tế của Quốc hội, Đại biểu Quốc hội khoá 15 trình bày và chuyên đề “Phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng” do GS, TS Trần Thọ Đạt, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội trình bày.

Chuyên đề “Tổng quan kinh tế Việt Nam năm 2023; dự báo, triển vọng năm 2024” của đ/c Phan Đức Hiếu thông qua những chỉ số, số liệu trực quan cụ thể, đánh giá hoạt động kinh tế Việt Nam đã phân tích góc nhìn đa chiều về kết quả tích cực của nền kinh tế; đồng thời đánh giá những khó khăn, thách thức, cơ hội đặt ra trong tương lai.

Đ/c Phan Đức Hiếu, Uỷ viên Thường trực Uỷ Ban Kinh tế của Quốc hội, Đại biểu Quốc hội khoá 15 trình bày chuyên đề “Tổng quan kinh tế Việt Nam năm 2023; dự báo, triển vọng năm 2024”

Nghị quyết số 103/2023/QH15 về Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2024 của Quốc hội đã chỉ rõ các nhiệm vụ tiên quyết là: Ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; Rà soát, hoàn thiện thể chế, pháp luật, cơ chế, chính sách gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thực hiện pháp luật; đẩy mạnh cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy định kinh doanh; Chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ;… Đây là cơ sở để doanh nghiệp trong Khối DNTW nói chung và Vinataba Nam nói riêng xây dựng kế hoạch, mục tiêu kinh doanh năm 2024 phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, định hướng phát triển của Nhà nước.

Bàn về kinh tế số (KTS), GS Trần Trọng Đạt – Đại học kinh tế Quốc dân cho biết, kinh tế số là toàn bộ hoạt động kinh tế dựa trên nền tảng số và phát triển kinh tế số là sử dụng công nghệ số và dữ liệu để tạo ra những mô hình kinh doanh mới. Tại Việt Nam, Thương mại điện tử đang tăng trưởng mạnh, nhiều hoạt động đóng góp trực tiếp vào kinh tế số. Số hóa thâm nhập vào các lĩnh vực và đây là cơ hội để Việt Nam nâng cao năng suất và lợi thế cạnh tranh ở các lĩnh vực tiềm năng. Bên cạnh đó, tỷ lệ thâm nhập và áp dụng kỹ thuật số cao góp phần cải thiện năng suất lao động và tạo ra các lĩnh vực tăng trưởng mới cho doanh nghiệp, đặc biệt là CNTT-TT. Trong cả giai đoạn 2020 – 2030, trung bình mỗi năm, chỉ riêng KTS đóng góp từ 6,88% đến 16,50% trong 100% tốc độ tăng năng suất lao động (NSLĐ) tổng thể của cả nền kinh tế. Đóng góp của KTS là rất quan trọng đến năng suất và hiệu quả của nền kinh tế trong thập kỷ tới và là một động lực mới cho cải thiện nhanh chóng NSLĐ. Để phát triển KTS tại Việt Nam, ông Trần Trọng Đạt lưu ý cần thực hiện chuyển đổi nhận thức; Cải cách thể chế, hệ thống pháp lý và quy định liên quan đến KTS; Tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy các doanh nghiệp tích cực tham gia chuyển đổi số; Phát triển hạ tầng, nền tảng số, dữ liệu số; Đào tạo phát triển nhân lực; Đảm bảo an toàn và an ninh mạng…

“Phát triển kinh tế xanh là một xu thế tất yếu, vừa đảm bảo mục tiêu hiện đại hóa nền kinh tế, vừa phát triển bền vững về môi trường và tăng cường khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu”, GS, TS. Trần Thọ Đạt nhấn mạnh.

Các nội dung chuyên đề tại Hội nghị vừa bổ sung kiến thức, vừa giải đáp những vấn đề thực tiễn mới đang được quan tâm, giúp đội ngũ cán bộ chủ chốt trong Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương và Đảng bộ Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam thống nhất trong nhận thức, đồng thời nhận diện rõ vai trò, trách nhiệm trong việc xây dựng và phát triển nền kinh tế, từ đó triển khai thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị của Tổng Công ty trong tình hình mới.

  • Tag:

Bài viết liên quan