Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, cùng với việc xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng công tác kiểm tra, coi đây là một trong những chức năng lãnh đạo quan trọng của Đảng. Cách đây 74 năm, ngày 16/10/1948, đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh ký Quyết nghị số 29-QN/ TW thành lập Ban Kiểm tra T.Ư. Đây là căn cứ để Thường vụ Bộ Chính trị khóa VIII đồng ý lấy ngày 16/10/1948 là Ngày truyền thống ngành Kiểm tra Đảng.
Tự hào truyền thống Ngành Kiểm tra Đảng
Trước yêu cầu nhiệm vụ chính trị của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, công tác kiểm tra cần được tăng cường, ngày 16/10/1948 tại An toàn Khu Định Hóa – Thái Nguyên Ban
Thường vụ Trung ương Đảng (khoá I) ban hành quyết nghị số 29/QN/TW thành lập Ban Kiểm tra Trung ương. Quyết nghị có đoạn ghi: “…Trung ương quyết định thành lập Ban Kiểm tra, đi xuống các khu xét xem chủ trương của Đảng có được thi hành và có sát đúng
không, đồng thời xem xét sự thi hành kỷ luật trong Đảng để thu thập kinh nghiệm giúp Trung ương bổ khuyết chính sách của Đảng…”. Ban Kiểm tra Trung ương đầu tiên gồm 3 đồng chí là: Trần Đăng Ninh, Nguyễn Thanh Bình, Hà Xuân Mỹ (tức Hà Minh Quốc), do đồng chí Trần Đăng Ninh làm Trưởng ban. Sự ra đời của Ban Kiểm tra Trung ương – Cơ quan Kiểm tra chuyên trách đầu tiên của Đảng là một tất yếu khách quan, nhằm đáp ứng yêu cầu của công tác xây dựng Đảng trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Đây cũng là căn cứ để Thường vụ Bộ Chính trị khoá VIII đồng ý lấy ngày 16/10/1948 là Ngày truyền thống Ngành Kiểm tra của Đảng.
Từ khi ra đời đến nay, cơ quan kiểm tra chuyên trách của Đảng đã nhiều lần được bổ sung, điều chỉnh về chức năng, nhiệm vụ, phát triển về tổ chức và đội ngũ cán bộ để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của từng giai đoạn khác nhau. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng, Ban Chấp hành Trung ương quyết nghị: “Ban Kiểm tra Trung ương sẽ kiêm Ban Thanh tra của Chính phủ, có trách nhiệm kiểm tra cả trong quân đội”, vì vậy, Ban Kiểm tra Trung ương Đảng và Ban Thanh tra Chính phủ hợp nhất làm một, đồng chí Hồ Tùng Mậu, Trưởng Ban Kiểm tra Trung ương được cử kiêm chức Tổng Thanh tra Chính phủ. Ngày 25/4/1956, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh số 263/ SL cử đồng chí Nguyễn Lương Bằng làm Trưởng ban kiểm tra Trung ương kiêm chức Tổng thanh tra Chính phủ. Tháng 4 năm 1957, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Chỉ thị số 16/CTTW quy định: “Về nội dung công tác Ban Kiểm tra của Đảng ở các cấp chỉ chuyên trách kiểm tra việc giữ gìn kỷ luật ở các cấp và xét đơn khiếu nại của các đảng viên về các vụ thi hành kỷ luật ở cấp dưới. Còn vấn đề kiểm tra việc chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ do Ban thanh tra của chính quyền ở các cấp giúp cấp uỷ và Ủy ban hành chính tiến hành”. Từ đó đến nay, ngành Kiểm tra của Đảng và Thanh tra của chính quyền được tách riêng.
Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII, Điều lệ Đảng quy định tăng thẩm quyền thi hành kỷ luật đối với đảng viên cho Ủy ban kiểm tra từ cấp huyện ủy, quận ủy và tương đương trở lên; quy định cơ quan Ủy ban kiểm tra cấp trên hướng dẫn, đôn đốc, chỉ đạo UBKT cấp dưới thực hiện nhiệm vụ công tác kiểm tra.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng, Ủy ban Kiểm tra các cấp đã được bổ sung nhiệm vụ “Giám sát cấp ủy viên cùng cấp, cán bộ cấp ủy cùng cấp quản lý và tổ chức Đảng cấp dưới về việc thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách của Ðảng, nghị quyết của cấp ủy về đạo đức, lối sống…”. Riêng thẩm quyền xem xét kỷ luật của Ủy ban Kiểm tra đã được quy định từ Điều lệ Đảng khóa III, theo đó, Ủy ban Kiểm tra từ cấp huyện ủy, quận ủy, thị ủy trở lên có quyền thi hành kỷ luật đối với đảng viên, kể cả cán bộ thuộc diện cấp trên quản lý, nhưng không phải cấp ủy viên; quyền chuẩn y hoặc thay đổi hình thức kỷ luật trong việc giải quyết khiếu nại kỷ luật của đảng viên.
Trải qua các thời kỳ cách mạng, đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm tra luôn trung thành và tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, có bản lĩnh chính trị vững vàng, đoàn kết, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, nhất là trong việc thực hiện các Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay và Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Gắn với các nhiệm vụ đó, Ủy ban kiểm tra các cấp đã đề xuất, tham mưu các chương trình kiểm tra và thực hiện hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, góp phần quan trọng vào công cuộc phòng chống quan liêu, tham nhũng; đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên.
Đại hội XIII cũng đã đánh giá cao hiệu quả của công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng nhờ có đổi mới, công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đã có nhiều chuyển biến tích cực theo hướng siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong Đảng; những vi phạm của tổ chức đảng, đảng viên được xử lý nghiêm minh, không có “ngoại lệ”, không có “vùng cấm”. Công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng được tăng cường không chỉ có tác dụng giáo dục những cá nhân, tổ chức có vi phạm mà còn “có tác dụng cảnh báo, cảnh tỉnh, răn đe, phòng ngừa sai phạm đối với tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên”.
Suốt chặng đường lịch sử 74 năm qua, Ủy ban Kiểm tra Trung ương và Ủy ban Kiểm tra các cấp luôn bám sát nhiệm vụ chính trị trong từng thời kỳ cách mạng, tích cực và chủ động thực hiện toàn diện các nhiệm vụ theo quy định của Điều lệ Đảng và nhiệm vụ do cấp ủy giao. Thông qua công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng đã giúp Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các cấp ủy đảng lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong thực tiễn cuộc sống. Công tác kiểm tra, giám sát đã góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, giữ vững kỷ cương, kỷ luật, sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, giúp các cấp ủy đảng làm hạt nhân lãnh đạo và đoàn kết toàn dân. Đối với công tác kiểm tra giám sát của Đảng, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, đó là “một bộ phận quan trọng trong toàn bộ công tác xây dựng Đảng”, “là một chức năng lãnh đạo của Đảng”, “ mọi tổ chức Đảng và đảng viên đều bình đẳng trước kỷ luật của Đảng và đều phải chịu sự kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật của Đảng”. Kiểm tra, giám sát là “ thanh bảo kiếm để chữa lành các vết thương”.
Đảng bộ Vinataba: Tăng cường công tác kiểm tra giám sát, nâng cao sức chiến đấu của Đảng
Phát huy truyền thống ngành kiểm tra Đảng 74 năm qua, UBKT Đảng ủy Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba) luôn tham mưu cho Đảng ủy thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát, không ngừng đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát; góp phần tích cực vào việc tăng cường sức chiến đấu của Đảng, nâng cao nhận thức trách nhiệm của tổ chức đảng và đảng viên về công tác kiểm tra của Đảng nói riêng và công tác xây dựng Đảng nói chung.
Nhằm nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả công tác giám sát, kiểm tra nhằm phòng ngừa, phát hiện, xử lý hành vi vi phạm pháp luật, tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong Vinataba. Hàng năm, Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Vinataba, tham mưu cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo và chấp hành nghiêm chỉnh chế độ báo cáo định kỳ và các báo cáo chuyên đề theo chỉ đạo của Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương, Ban Nội chính Trung ương và các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan; thực hiện phân công các đồng chí Ủy viên UBKT giám sát công tác kiểm tra, giám sát của đơn vị, tham dự các cuộc họp Ban Chấp hành Đảng bộ tại các đơn vị được phân công; giải quyết đơn thư phản ánh, khiếu nại, tố cáo.
Kiểm tra Đảng bộ tại Thuốc lá Bến Tre
Đảng ủy và ủy ban kiểm tra các cấp đã có nhiều đổi mới trong công tác kiểm tra, giám sát, chú trọng nâng cao chất lượng, đổi mới phương pháp làm việc theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho các đảng viên, tổ chức đảng được kiểm tra, giám sát. Việc xây dựng chương trình và thực hiện kiểm tra, giám sát theo hướng trọng tâm, trọng điểm và thiết thực, phù hợp với tình hình thực tế từng thời kỳ. Thực hiện đúng, đầy đủ các nội dung liên quan đến công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy cấp trên.
Trong 9 tháng đầu năm 2022, Đảng ủy, UBKT Đảng ủy Vinataba đã quán triệt, triển khai, phổ biến kịp thời, đầy đủ, nghiêm túc bằng hình thức phù hợp với điều kiện thực tế các chỉ thị, nghị quyết, chương trình hành động, quy định, quyết định, kết luận, thông báo… do Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Đảng ủy Khối DNTW mớiban hành liên quan đến công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng đến toàn thể tổ chức đảng, đảng viên trong toàn Đảng bộ Vinataba. Ủy ban Kiểm tra đã trực tiếp và tham mưu cho Ban Thường vụ Đảng ủy Vinataba để chỉ đạo và đã tiến hành kiểm tra, giám sát đối với 7 tổ chức đảng và 5 đảng viên. Nội dung kiểm tra, giám sát đã bám sát với Quy định 22-QĐ/TW ngày 28/7/2021 và Hướng dẫn 02-HD/TW ngày 09/12/2021. Đối với đảng ủy và ủy ban kiểm tra đảng ủy cơ sở trực thuộc đã kiểm tra, giám sát 40 tổ chức đảng và 30 đảng viên theo đúng chương trình đã xây dựng từ đầu năm; quy trình thực hiện kiểm tra, giám sát cơ bản đã đầy đủ trình tự, thủ tục, lưu hồ sơ theo đúng quy định.
Qua kiểm tra, giám sát, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã chỉ ra những ưu điểm, những mặt còn tồn tại, hạn chế, khuyết điểm, kịp thời rút kinh nghiệm, đồng thời ngăn chặn, phòng ngừa các vi phạm, góp phần quan trọng vào thực hiện nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng, giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất. Thời gian tới Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Tổng công ty tiếp tục tham mưu tốt cho Ban Thường vụ Đảng ủy về công tác kiểm tra, giám sát các tổ chức đảng và đảng viên, để công tác kiểm tra, giám sát phải thực sự là “thanh bảo kiếm để chữa lành các vết thương” của Đảng và xây dựng đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh hơn, xứng đáng là người lãnh đạo là đày tớ trung thành của nhân dân