Quá trình hình thành và phát triển Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam

Tin Hoạt động 01/10/2024

Giai đoạn 1985-1995

Ngày 05/4/1985 Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hành Nghị định số 108/HĐBT về việc thành lập Liên hiệp các Xí nghiệp Thuốc lá Việt Nam, gọi tắt là Liên hiệp Thuốc lá Việt Nam, trên cơ sở hợp nhất Xí nghiệp Liên hợp Thuốc lá I và Xí nghiệp Liên hợp Thuốc lá II, nhằm thực hiện thống nhất tổ chức Ngành Thuốc lá Việt Nam, tập trung đầu mối quản lý để thực hiện chương trình mục tiêu phát triển sản xuất thuốc lá của Nhà nước.

Sự ra đời của Liên hiệp Thuốc lá Việt Nam là kết quả của một quá trình vận động, đổi mới tư duy về tổ chức, chỉ đạo sản xuất ở tầm vĩ mô. Nó từng bước hình thành một ngành Kinh tế – Kỹ thuật sản xuất kinh doanh khép kín, đánh dấu một bước tiến mới về phương thức quản lý được tự chủ nhiều hơn và tự chịu trách nhiệm đối với Ngành Công nghiệp Thuốc lá Việt Nam. Nó đòi hỏi một sự chuyển biến toàn diện về nhận thức về quy mô, về ngành Thuốc lá là một thực thể kinh tế thống nhất; về sự cần thiết phải tổ chức bộ máy có thể quản lý, điều hành thống nhất các đơn vị sản xuất kinh doanh theo định hướng, mục tiêu chung;

Cũng trong thời kỳ này, ngoài Liên hiệp Thuốc lá Việt Nam, còn có nhiều nhà máy, xí nghiệp địa phương được thành lập, đặc biệt ở các tỉnh phía Nam. Hình thức chủ quản rất đa dạng: do Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố, quận huyện; cơ sở kinh tế Đảng, ban ngành địa phương… quản lý và một số cơ sở của tư nhân núp bóng nhà nước sản xuất thuốc lá. Trong cơ chế phân cấp về ngân sách cho các địa phương, cơ sở pháp lý quản lý sản xuất kinh doanh thuốc lá hầu như chưa có, dẫn đến tình trạng sản xuất thiếu kiểm soát, kém hiệu quả, chất lượng sản phẩm yếu kém không quản l‎í được, tranh mua tranh bán, làm hàng giả tràn lan, thuốc nhập lậu ngày càng nhiều, gây thất thu cho ngân sách. Để chấm dứt tình trạng trên, Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 278-CT ngày 3/8/1990 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng về việc cấm nhập khẩu và lưu thông thuốc lá điếu của nước ngoài trên thị trường nước ta và Quyết định số 392-CT ngày 12/11/1990 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng về việc chấn chỉnh và tổ chức lại sản xuất và lưu thông thuốc lá điếu.

Được trao quyền tự chủ sản xuất kinh doanh, Liên hiệp Thuốc lá Việt Nam đã thể hiện được bản lĩnh, tầm nhìn, từng bước đổi mới và phát triển vững chắc. Liên hiệp TLVN đã chỉ đạo và thực hiện được những vấn đề cơ bản, trọng tâm  của Ngành Thuốc lá:

  • Sắp xếp tổ chức, đổi mới quản lý hình thành một ngành KTKT hoạt động khép kín

– Từng bước đầu tư đổi mới thiết bị, máy móc và công nghệ:

– Đầu tư xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu:

– Nâng cao chất lượng sản phẩm, tiếp cận thị trường, xây dựng và mở rộng mạng lưới tiêu thụ:

– Hợp tác quốc tế, sản xuất nhãn thuốc lá nước ngoài

Ngày 31/10/1992 Bộ Công nghiệp nhẹ ra quyết định số 1007/CNn-TCLĐ về việc chuyển đổi tổ chức và hoạt động của Liên hiệp Thuốc lá Việt Nam thành Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam, trực thuộc Bộ Công nghiệp nhẹ. Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam là một trong những doanh nghiệp quốc doanh đứng đầu trong cả nước về kinh doanh có hiệu quả và nộp ngân sách.

Giai đoạn 1996 -2005

Sau 10 năm đổi mới thắng lợi, đến năm 1995, nước ta đã ra khỏi khủng hoảng kinh tế – xã hội. Đại hội Đảng toàn quốc lần VIII (Tháng 6/1996) và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX (tháng 4/2001) đã ra Nghị quyết chuyển nền kinh tế nước ta sang thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Đối với Ngành Thuốc lá thời k‎ỳ này ghi lại nhiều sự kiện quan trọng:

Ngày 29/4/1995, Chính phủ ra Quyết định số 254/TTg về việc thành lập Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam, tổ chức và hoạt động theo mô hình Tổng công ty Nhà nước, trực thuộc Chính phủ (còn gọi là các Tổng công ty 91, hạng doanh nghiệp đặc biệt) được chính phủ trao nhiệm vụ là doanh nghiệp đóng vai trò nòng cốt của Ngành Thuốc lá Việt Nam

Giai đoạn này Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản, chính sách tạo ra khung pháp lý quan trọng trong quản lý hoạt động SXKD của Ngành và sắp xếp lại ngành thuốc lá, lành mạnh hóa môi trường kinh doanh, tăng sức mạnh và hiệu quả cho ngành.

Xuyên suốt giai đoạn này, Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam luôn giữ vai trò nòng cốt cùng Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam thực hiện nhiệm vụ sắp xếp lại Ngành Thuốc lá theo định hướng thu gọn và tập trung về một vài đầu mối lớn sản xuất kinh doanh thuốc lá trong cả nước.

Từ 29 nhà máy thuốc điếu trong cả nước, đến giai đoạn này chỉ còn 17 nhà máy: 11 nhà máy của Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam, và 6 nhà máy thuộc địa phương quản lý  (Công ty Thuốc lá Hải Phòng, Tổng công ty Khánh Việt, Công ty TNHH Thuốc lá Đồng Nai, Công ty Thuốc lá Bến Thành, Công ty 27/7, Công ty Thuốc lá & XNK Bình Dương).

Sau một thời gian dài sắp xếp lại tổ chức, ngành Thuốc lá Việt Nam vào năm 2010 chỉ còn lại 4 đầu mối lớn: Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam, Tổng công ty Khánh Việt, Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn, Tổng công ty Công nghiệp Thực phẩm Đồng Nai.

Ngày 23/9/2005, Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam chuyển đổi tổ chức và hoạt động theo mô hình Công ty mẹ – Công ty con theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ số 232/2005/QĐ-TTg và hướng tới xây dựng thành tập đoàn kinh tế.

Sau 10 năm hoạt động theo mô hình Tổng công ty Nhà nước, Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam đã mở rộng đầu tư phát triển sang các lĩnh vực khác như bánh kẹo, nước giải khát, nông sản, đầu tư kinh doanh bất động sản… Dần dần hình thành diện mạo của một tập đoàn kinh tế mạnh, đủ sức cạnh tranh trong quá trình hội nhập quốc tế: Công ty mẹ có đủ tiềm lực chi phối các công ty con về tài chính, khoa học và công nghệ, có thương hiệu sản phẩm chiến lược, có tiềm năng xuất khẩu mạnh, có quan hệ quốc tế sâu rộng và uy tín cao trên thị trường quốc tế, phát triển mạnh kinh doanh đa ngành nghề, mở rộng liên doanh liên kết và hợp tác quốc tế, có đội ngũ quản trị vững vàng và năng động.

Những kết quả nổi bật giai đoạn này:

– Phát huy vai trò doanh nghiệp đầu tàu của ngành thuốc lá, Tổng công ty trở thành nòng cốt trong Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam trong việc xây dựng và hoạch định chiến lược phát triển ngành thuốc lá, xây dựng hệ thống văn bản pháp quy quản lý ngành khá hoàn chỉnh, làm cơ sở cho việc quản lý chặt chẽ SXKD trong nước, lập lại trật tự cho thị trường thuốc lá nội địa và là cơ sở cho tiến trình tổ chức và sắp xếp lại ngành thuốc  lá trong các giai đoạn sau

– Bước đầu tiến hành công nghiệp hóa – hiện đại hoá trong toàn Tổng công ty trong lĩnh vực sản xuất thuốc điếu đưa trình độ công nghệ sản xuất thuốc điếu của Việt Nam thoát khỏi mức lạc hậu so với thế giới.

– Xây dựng và phát triển vùng trồng nguyên liệu trong nước, bước đầu đầu tư cho công nghiệp chế biến nguyên liệu thuốc lá hỗ trợ cho phát triển vùng trồng, dưa cây thuốc lá trở thành cây đem lại lợi ích kinh tế cho người nông dân, trở thành cây xóa đói giảm nghèo trong chương trình quốc gia.

– Xây dựng được thương hiệu VINATABA vững mạnh, có uy tín trên thị trường trong nước và liên doanh, liên kết với các nước trong khu vực và thế giới.

– Thực hiện Đề án tổ chức, sắp xếp lại Ngành Thuốc lá theo Quyết định số 182/2002/QĐ-TTg ngày 23/12/2003 của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản pháp quy của Nhà nước, Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam tiếp tục là nòng cốt của ngành trong tổ chức sắp xếp Ngành Thuốc lá theo hướng tập trung đầu mối.

Giai đoạn 2006 – 2010

Mục tiêu đặt ra trong giai đoạn 2006–2010 là xây dựng Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam thành một Tổng công ty Nhà nước mạnh, tổ chức theo mô hình công ty mẹ – công ty con, đa sở hữu về vốn, lấy sản xuất kinh doanh thuốc lá là ngành kinh doanh chính, đồng thời phát triển đa dạng hóa ngành nghề kinh doanh tập trung vào lĩnh vực công nghiệp thực phẩm, bất động sản, đầu tư tài chính bảo đảm kinh doanh có hiệu quả. Tiến đến hình thành tập đoàn kinh tế mạnh với thương hiệu Vinataba hoạt động có uy tín, mở rộng thị trường trong và ngoài nước.

Để thực hiện mục tiêu này, yêu cầu đặt ra đối với Tổng công ty là phải tái cấu trúc tổ chức và nguồn lực hợp lý, có chiến lược kinh doanh phù hợp và xây đội ngũ quản trị năng động đáp ứng được hoạt động sản xuất kinh doanh trong tình hình mới.

Một số chương trình trọng tâm được triển khai thực hiện :

Triển khai thực hiện tổ chức, hoạt động mô hình công ty mẹ – công ty con của Tổng công ty theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, tiến đến hình thành tập đoàn kinh tế kinh doanh đa ngành.

– Chuyển đổi cơ cấu sản phẩm, cải tiến và nâng cao chất lượng sản phẩm thuốc lá điếu phù hợp với lộ trình thay đổi thuế TTĐB và thích ứng với quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

– Tiến hành di dời một số cơ sở sản xuất ở trung tâm đô thị ra khu công nghiệp quy hoạch và có phương án khai thác, sử dụng các mặt bằng sau di dời.

– Tiếp tục chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chú trọng việc đãi ngộ tương xứng cho người lao động.

– Phát triển mạnh các hoạt động kinh doanh đa ngành, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn.

– Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động SXKD.

Những thành tựu đạt được của Tổng công ty trong giai đoạn 2006 – 2010 :

Công tác đổi mới sắp xếp doanh nghiệp Nhà nước của Tổng công ty được thực hiện đúng tiến độ dự kiến theo Đề án sắp xếp Ngành Thuốc lá và Phương án sắp xếp của Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam giai đoạn 2006-2010 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Từ ngày 01/01/2006, Tổng công ty đã thực hiện chuyển đổi sang hoạt động theo mô hình công ty mẹ-công ty con.

Trong giai đoạn này Tổng công ty đẩy mạnh và tiếp tục hoàn thiện cơ cấu tổ chức của Tổng công ty, các công ty thành viên. Tổng công ty đã chỉ đạo các công ty thực hiện chuyển đổi sang loại hình công ty TNHH hoạt động theo Luật Doanh nghiệp. Trong quá trình thực hiện công tác sắp xếp, tổng công ty thực hiện tốt vai trò đầu mối sắp xếp doanh nghiệp trong ngành thuốc lá và định hướng phát triển trong ngành công nghiệp thực phẩm.

Qua kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh sau chuyển đổi đã khẳng định được mô hình công ty mẹ-công ty con là phù hợp với cơ chế thị trường và có hiệu quả. Vừa phát huy tính chủ động, linh hoạt của doanh nghiệp, vừa nâng cao vai trò, trách nhiệm của chủ sở hữu. Quyền hạn HĐQT, TGĐ nâng cao hơn, mở rộng hơn, với phương thức đầu tư vốn thay vì giao vốn, trách nhiệm được quy định chặt chẽ hơn. Quyền hạntrách nhiệm của lãnh đạo các công ty trong toàn tổ hợp cao hơn.

Sự chuyển đổi tổ chức lại công ty mẹ một cách hợp lý và đúng đắn đã thể hiện tiềm lực tài chính và tiềm lực kinh doanh của công ty mẹ, khẳng định vai trò chủ đạo trong tổ hợp Mẹ – con. Thực hiện tích tụ, tập trung vốn để đẩy mạnh đầu tư phát triển. Lành mạnh hóa tình hình tài chính của các đơn vị thành viên, giải quyết được các khoản nợ tồn đọng…

Quá trình chuyển đổi tổ chức đồng thời thay đổi một bước cơ cấu lao động trong các doanh nghiệp góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.

Tham gia hội nhập toàn diện, xúc tiến xuất khẩu ; đầu tư khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và sức cạnh tranh của doanh nghiệp.

Xúc tiến các dự án lớn về đầu tư-xây dựng cơ bản, triển khai di dời các nhà máy lớn ra khỏi đô thị.

Giai đoạn 2006 – 2010 đánh dấu thời kỳ trưởng thành của Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam với tầm vóc mới : Tổ hợp Công ty mẹ – Công ty con  có tiềm lực tài chính, kinh doanh đa ngành với cốt lõi là ngành sản xuất kinh doanh thuốc lá chủ lực của Ngành Thuốc lá Việt Nam; là  doanh nhgiệp có uy tín và vị thế không chỉ tại thị trường trong nước mà còn trên thị trường quốc tế và sản xuất kinh doanh các mặt hàng trong lĩnh vực công nghiệp tiêu dùng.

Đây là giai đoạn tích tụ nguồn lực và  chuẩn bị cơ sở để tổ hợp Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam phát triển sang giai đoạn mới với quy mô và tầm vóc lớn hơn: Chuẩn bị hình thành Tập đoàn kinh tế trong lĩnh vực Công nghiệp tiêu dùng.

Giai đoạn 2010 – 2015

Là thời điểm nên kinh tế thế giới bị ảnh hưởng sâu rộng sau khung hoảng tài chính – tiền tệ kéo dài, tăng trưởng kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn, người tiêu dùng thực hiện cắt giảm chi tiêu nhiều nhóm ngành không thuộc nhu yếu phẩm trong đó có mặt hàng thuốc lá và bánh kẹo. Các đơn vị trong Tổng công ty chịu áp lực rất lớn từ chi phí đầu vào sản xuất tăng cao, tình trạng buôn lậu thuốc lá, vấn nạn hàng giả, hàng nhái chưa có chế tài xử lý mạnh mang tính răn đe; Quá trình hội nhập sâu rộng với sự tham gia đầu tư của nhiều tập đoàn thuốc lá quốc tế lớn giàu tiềm lực tài chính và kinh nghiệm lâu đời tạo ra sức ép cạnh tranh rất lớn với sản phẩm nội địa.

Trong bối cảnh đó, Tổng công ty đã cố gắng tập trung sự phát triển ngành nghề sản xuất kinh doanh theo chủ trương của Nhà nước, hoàn thành một số các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh quan trọng trong kế hoạch 5 năm 2011 – 2015 đã được Chính phủ giao theo quyết định 533/QĐ-TTg.

Một số những kết quả tích cực giai đoạn này:

  • Củng cố và nâng cao chất lượng những sản phẩm truyền thống, chủ lực của Tổng công ty và các đơn vị. Giảm dần các loại thuốc cấp thấp, tăng cường nghiên cứu và sản xuất các loại thuốc lá trung và cao cấp.
  • Vinataba thành công với vai trò chủ đạo trong ngành công nghiệp thuốc lá Việt Nam, làm đầu mối sắp xếp doanhg nghiệp thuốc lá theo chủ trưởng của Nhà nước, thực hiện tái cơ cấu, tập trung vào hai lĩnh vực chính là sản cuất kinh doanh thuốc lá và thực phẩm chế biến, từng bước nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn nhà nước giao.
  • Tham gia quản lý sản xuất kinh doanh, phát triển một số sản phẩm ngoài thuốc lá như: Bánh kẹo, bia, nước uống tinh khiết…
  • Từng bước đổi mới máy móc thiết bị, đồng bộ hóa các khâu sản xuất đồng thời khai thác thế mạnh trong công nghệ sản xuất cùng nghiên cứu nhu cầu thị trường về sản phẩm, mẫu mã…Đầu tư đúng, có trọng điểm, phù hợp với khả năng tài chính và trình độ quản lý đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, bước đầu hiện đại hóa toàn Tổng công ty.
  • Xây dựng vùng chuyên canh ổn định, phần nào tự túc được nguyên liệu đáp ứng cơ bản nhu cầu sản xuất trong nước, tỷ lệ nội dịa hóa lên đến 60 – 70%.
  • Nâng cao chất lượng sản xuất phụ liệu thuốc lá với hệ thống máy móc thiết bị hiện đại, có khả năng cung cấp không chỉ cây đầu lọc với đủ kích thước chủng loại mà còn cả giấy đầu lọc, giấy sáp, nhãn bao cao cấp cho ngành thuốc lá với trên 500 nhãn hàng.

Giai đoạn 2015 – 2025

Tổng công ty tiếp tục quan điểm chiến lược tăng cường đầu tư vốn trong lĩnh vực thuốc lá nhằm giữ vị thế dẫn đầu, gia tăng hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của Tổng công ty cũng như toàn ngành – một lĩnh vực sản xuất kinh doanh đặc thù, vừa bị kiểm soát chặt chẽ, vừa có vai trò đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng xã hội.

Phát triển hoạt động kinh doanh trực tiếp của Công ty mẹ trên lĩnh vực thương mại thông qua hợp tác với các đối tác quốc tế để nghiên cứu, phát triển các sản phẩm thay thế; phát triển kinh doanh thương mại trên cơ sở phát triển kinh doanh các sản phẩm thuốc lá cao cấp, xì gà. Tổng công ty – Công ty mẹ tiếp tục hoàn thiện các nền tảng hạ tầng nhằm tạo điều kiện cho việc điều hành chiến lược sản xuất kinh doan

Tổng công ty luôn giữ vững vị trí dẫn đầu ngành thuốc lá Việt Nam. Trong bối cảnh sản lượng tiêu thụ nội địa toàn ngành giảm, sản lượng của Tổng công ty vẫn tăng trưởng đều, bình quân từ 2 đến 3 điểm %/năm, thị phần nội địa của Tổng công ty chiếm trên 65% toàn ngành và dẫn đầu thị trường ở phân khúc sản phẩm trung cấp. Thị phần xuất khẩu chiếm xấp xỉ 75%, các sản phẩm thuốc lá sản xuất tại Việt Nam, có mặt tại nhiều quốc gia khu vực châu Á, châu Phi, châu Mỹ; Nộp ngân sách trong xấp xỉ 16.000 tỷ đồng, đời sống của người lao động được đảm bảo với mức thu nhập năm sau cao hơn năm trước, đạt trên 25 triệu đồng/người/tháng năm 2024…..

  • Tag:

Bài viết liên quan