“Nâng cao trách nhiệm, hiệu quả của người quản lý, người đại diện phần vốn của Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam tại các doanh nghiệp” (sau đây gọi chung là “Người quản lý, người đại diện”), đây là một trong những nội dung chính tại buổi Tọa đàm Người đại diện phần vốn của Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam năm 2024.
Kết quả sản xuất kinh doanh ấn tượng
Năm 2023, các cuộc xung đột địa chính trị, lạm phát và khủng hoảng tài chính đã tác động lớn đến nền kinh tế toàn cầu: chi phí, giá cả các mặt hàng năng lượng, lương thực, hàng hóa tăng và làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu. Giá nhập khẩu nguyên liệu thuốc lá và các mặt hàng nguyên vật liệu chính để sản xuất phụ liệu thuốc lá tăng cao do thiếu hụt nguồn cung nguyên liệu đầu vào, đặc biệt giá nhập khẩu. Tuy nhiên, với quyết tâm, nỗ lực khắc phục khó khăn, kết quả đa số các chỉ tiêu SXKD năm 2023 toàn Vinataba đều đạt và vượt so với kế hoạch.
Góp phần làm nên những kết quả ấn tượng năm 2023 của Vinataba, không thể không kể tới vài trò của Người đại diện phần vốn của Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam tại các doanh nghiệp. Cụ thể:
Khối đơn vị trực thuộc: Doanh thu đạt 104.2% KH và tăng 7% so CKNT (trong đó, doanh thu của Công ty Xuất nhập khẩu Thuốc lá đạt gần 124% KH và tăng 26% so CKNT); Nộp ngân sách đạt 127% KH và tăng 7% so CKNT.
Nhóm Công ty mẹ – Công ty con Thuốc lá Sài Gòn: Doanh thu đạt 115% KH và tăng 16% so CKNT; Lợi nhuận trước thuế đạt 148% KH; Nộp ngân sách đạt 102% KH và tương đương so CNKT.
Nhóm Công ty mẹ – Công ty con Thuốc lá Thăng Long: Doanh thu đạt 111% KH và tăng 13% so CKNT; Nộp ngân sách đạt 102% KH và tăng 5% so CNKT; Lợi nhuận trước thuế đạt 106% KH và tăng 1% so CKNT.
Viện Thuốc lá: Doanh thu đạt 127% KH và tăng 28% so CKNT; Nộp ngân sách đạt 538% KH và bằng 644% CNKT; Lợi nhuận trước thuế đạt 570% KH và bằng 573% so CKNT.
Nhóm công ty cổ phần sản xuất kinh doanh nguyên, phụ liệu thuốc lá: Doanh thu đạt 118% KH và tăng 25% so CKNT; Lợi nhuận trước thuế đạt 126% KH và tăng 3.5% so CKNT; nhóm phụ liệu thuốc lá: Tổng doanh thu: đạt 124% KH và tăng 29% so CKNT, Lợi nhuận trước thuế: đạt 126% KH và tương đương CKNT.
Nhóm các công ty liên doanh sản xuất thuốc lá điếu: Doanh thu đạt 99.5% và bằng 98% CKNT; Lợi nhuận trước thuế đạt 138% KH và tăng 7.6% so CKNT; Nộp ngân sách đạt 97% KH và bằng 87% CKNT.
Khối công ty liên kết: Tổng doanh thu đạt 98% so CKNT, trong đó doanh thu của Công ty Liên doanh BAT – Vinataba chiếm 78% tổng doanh thu của Khối; Lợi nhuận trước thuế tăng 19% CKNT.
Đảm bảo tài chính an toàn, lành mạnh
Tính đến thời điểm 31/12/2023, tổng giá trị vốn đầu tư ra ngoài doanh nghiệp của Công ty mẹ – Tổng công ty là 5.615,5 tỷ đồng, trong đó, vốn đầu tư vào các công ty thuộc lĩnh vực kinh doanh chính của Tổng công ty (gồm các công ty sản xuất thuốc điếu và các nguyên phụ liệu phục vụ ngành thuốc lá) chiếm 97,44% tổng vốn đầu tư. Còn lại là các khoản đầu tư nhỏ ngoài ngành sản xuất kinh doanh chính, đang tiến hành thoái vốn hoặc xin chủ trương thoái vốn.
Trong năm 2023, hầu hết các công ty có vốn đầu tư của Tổng công ty có tình hình tài chính nhìn chung là an toàn, lành mạnh. 17/19 công ty kinh doanh có lãi, Công ty Liên doanh Thuốc lá BAT – VINATABA và Công ty TNHH Liên doanh VINA – BAT là hai đơn vị có tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu cao nhất (lần lượt là 327,6% và 251,8%). Tổng cổ tức, lợi nhuận các đơn vị chuyển về Tổng công ty trong năm 2023 là 1.017,6 tỷ đồng, các công ty có lợi nhuận chuyển về cao nhất là Công ty Liên doanh Thuốc lá BAT – VINATABA (350,9 tỷ đồng), Công ty Thuốc lá Sài Gòn (273,3 tỷ đồng), Công ty TNHH Liên doanh VINA – BAT (227,7 tỷ đồng).
Công tác quản lý vốn đầu tư dược thực hiện nghiêm túc, đúng quý định thông qua Người đại diện phần vốn và Kiểm soát viên của Tổng công ty tại các đơn vị, đồng thời tăng cường kiểm tra giám sát thông qua hệ thống kiểm tra kiểm soát của Tổng công ty, phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp thực hiện giám sát trực tiếp tại một số công ty con theo yêu cầu của Ủy ban.
Hiện nay, tổng số cán bộ được Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam là Người quản lý, người đại diện gồm 36 cán bộ (trong đó, 17 cán bộ chuyên trách và 19 cán bộ kiêm nhiệm). Các cán bộ được cử là Người quản lý, người đại diện có trình độ từ Đại học trở lên (trong đó, 66% cán bộ có trình độ trên Đại học).
Báo cáo tại Hội nghị cho thấy, năm 2023, vai trò, trách nhiệm của Người quản lý, Người đại diện phần vốn góp của Tổng công ty tại các doanh nghiệp tiếp tục được nâng cao, thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ tại doanh nghiệp. Định hướng sản xuất kinh doanh đi theo đúng mục tiêu chung. Thực hiện tốt chức năng kiểm tra, kiểm soát trong việc sử dụng, bảo toàn và phát triển vốn theo đúng quy định của pháp luật, các quy chế, quy định của công ty và mục tiêu sản xuất kinh doanh của Tổng công ty. Hầu hết Người quản lý, người đại diện đã thực hiện báo cáo đầy đủ theo quy định xin ý kiến Tổng công ty bằng văn bản trước khi biểu quyết, quyết định các vấn đề của doanh nghiệp tại các cuộc họp HĐTV, ĐHĐCĐ, HĐQT.
Người đại diện luôn theo sát hoạt động sản xuất kinh doanh, kịp thời đưa ra các giải pháp trong việc điều hành hoạt động của đơn vị, luôn có sự phối hợp giữa các đơn vị với đội ngũ kiểm soát viên nội bộ của Tổng công ty trong việc kiểm tra, giám sát theo quy định. Vai trò điều phối của Tổng công ty, thông qua người đại diện phần vốn góp giúp các đơn vị phối hợp, hỗ trợ nhau trong sản xuất kinh doanh ngày càng được khẳng định.
Phát huy hiệu quả hơn nữa vai trò của Người đại diện
Năm 2024, với mục tiêu đảm bảo thống nhất, phù hợp với các quy định mới của pháp luật và tình hình thực tiễn trong công tác quản lý, Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam đang tập trung hoàn thiện Quy chế quản lý Người đại diện. Đồng thời đưa ra các định hướng đối với việc thay thế, bổ sung Người đại diện. Quy định rõ hơn về quyền, nghĩa vụ của Người đại diện. Cụ thể:
Đối với Người quản lý, người đại diện tại khối đơn vị trực thuộc: Triển khai Đề án tái cơ cấu toàn diện đối với các đơn vị thương mại; chỉ đạo đơn vị tập trung điều hành sản lượng phân phối và kiểm soát giá bán, đảm bảo ổn định lợi nhuận cho khách hàng các cấp, giảm tồn kho trên kênh phân phối; triển khai thực hiện tốt định hướng sản xuất và giao nhận các sản phẩm thuộc sở hữu của Tổng công ty.
Đối với Người quản lý, người đại diện tại khối đơn vị thuốc lá điếu: Chuẩn bị tốt các kịch bản, giải pháp ứng phó để đảm bảo hiệu quả SXKD trong bối cảnh giá nguyên phụ liệu đầu vào ở mức cao; Hoàn thiện hệ thống quy chế, quy định, quy trình nội bộ đảm bảo tính công khai, minh bạch, hiệu quả và tuân thủ quy định pháp luật; Quản lý, điều hành tốt công tác thị trường; nghiên cứu các giải pháp từng bước nâng cao giá trị sản phẩm; tập trung phát triển sản phẩm thay thế thuốc lá nhập lậu và hướng cạnh tranh ra bên ngoài. Chú trọng thực hiện công tác đầu tư và giải ngân vốn đầu tư; thường xuyên kiểm tra, giám sát công tác quản lý, sử dụng máy móc thiết bị chuyên ngành thuốc lá; đảm bảo việc sử dụng máy móc thiết bị hiệu quả, đúng quy định pháp luật.
Đối với Người quản lý, người đại diện tại Công ty Thuốc lá Thăng Long và Công ty Thuốc lá Sài Gòn, chú trọng nâng cao hiệu quả liên kết, hợp tác, hỗ trợ trong Nhóm Công ty, trong đó đẩy mạnh vai trò định hướng, điều phối của Công ty mẹ trong Nhóm Công ty.
Đối với Người quản lý, người đại diện tại khối đơn vị nguyên phụ liệu: Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Kế hoạch phát triển vùng nguyên liệu thuốc lá đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.