Vai trò của công tác kiến nghị xây dựng chính sách, pháp luật của tổ chức pháp chế doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh tại Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam

Tin Hoạt động 06/05/2022

Trong những năm gần đây, Đảng và Nhà nước đã không ngừng xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật để tạo ra môi trường pháp lý phù hợp với hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật về kinh doanh đã được sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới theo hướng cởi mở, tạo thuận lợi hơn cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, hệ thống pháp luật kinh doanh vẫn còn rất nhiều hạn chế, rào cản, gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Tổ chức pháp chế trong Doanh nghiệp nhà nước nói chung và Tổng công ty thuốc lá nói riêng luôn nỗ lực phát huy tốt nhiệm vụ “kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật liên quan tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp” được quy định tại Điều 7 NĐ 55/2011 giúp cơ quan nhà nước có hướng nhìn thực tế hơn trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo thuận lợi cho Doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả trong khuôn khổ pháp luật.    

Vai trò của công tác kiến nghị, xây dựng chính sách, pháp luật của tổ chức pháp chế doanh nghiệp nhà nước trong hoạt động sản xuất kinh doanh và thực tế tại Tổng công ty thuốc lá Việt Nam.

Tại Chiến lược phát triển Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn 2030, Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam được xác định là đơn vị giữ vai trò nòng cốt của ngành thuốc lá và là đơn vị giúp Nhà nước định hướng, thực thi các chính sách kiểm soát hoạt động sản xuất kinh doanh thuốc lá, làm vai trò là công cụ định hướng sự phát triển, tổ chức sắp xếp ngành thuốc lá. Và thực tế đã chứng minh, Tổng công ty luôn đóng vai trò là đơn vị tích cực nhất, quan trọng nhất trong công tác kiến nghị, xây dựng chính sách, pháp luật về sản xuất kinh doanh thuốc lá tại Việt Nam.

Những năm quá, công tác kiến nghị xây dựng chính sách pháp luật tại Tổng công ty đạt được nhiều kết quả nổi bật, tạo cơ sở pháp lý và môi trường kinh doanh thuận lợi cho hoạt động của các doanh nghiệp trong Tổng công ty và ngành thuốc lá, tiêu biểu một số chính sách quan trọng đã thành công và được cơ quan nhà nước tiếp thu ý kiến:

Kiến nghị sửa đổi Bộ luật hình sự 2015 theo hướng bổ sung chế tài xử lý hình sự đối với những đối tượng vận chuyển, tàng trữ, buôn bán hàng cấm là thuốc lá nhập lậu từ 500 bao đến dưới 1500 bao (Quốc hội đã thông qua Bộ luật hình sự sửa đổi năm 2017) qua đó siết chặt hơn đối với hoạt động buôn lậu thuốc lá.

Góp ý đối với dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 108 về thuế tiêu thụ đặc biệt theo hướng có lợi hơn cho Tổng công ty so với Nghị định 108 (Chính phủ đã ban hành Nghị định 100/2016/NĐ-CP).

Tham gia kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế các Thông tư số: 21/2013/TT-BCT; 57/2018/TT-BCT; 28/2019/TT-BCT (Bộ trưởng Bộ Công thương đã ban hành Thông tư số 53/2020/TT-BCT) qua đó tiếp tục giữ lại được Giấy phép sản xuất thuốc lá chung của Công ty mẹ – Công ty con Tổng công ty, góp phần ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh của Tổng công ty trong năm 2021 và 2022.

Kiến nghị bãi bỏ Quyết định số 20/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ để tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn trong việc thực hiện quy định của Quyết định này. Ngày 10/7/2020, Văn phòng Chính phủ có Văn bản số 5654/VPCP-V.I, theo đó, đồng ý tiếp tục thực hiện tiêu hủy theo Quyết định số 2371/QĐ-TTg. Việc này đã tháo gỡ được toàn bộ những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện Quyết định số 20/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời tăng cường hiệu quả của công tác phòng chống buôn lậu thuốc lá.Tham gia kiến nghị đối với Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 67/2013/NĐ-CP về sản xuất thuốc lá. Hiện tại, Bộ Công Thương đang trong quá trình lấy ý kiến các Bộ ngành có liên quan để hoàn thiện Dự thảo Nghị định trình Chính phủ xem xét, ban hành. Cho đến nay quá trình kiến nghị đối với Dự thảo Nghị định đã đạt được một số những kết quả tích cực. Cụ thể, Dự thảo Nghị định (bản gần nhất) đã có một số thay đổi tích cực được ghi nhận và được sự đồng thuận của đa số các Bộ ngành, bao gồm: (i) Đơn giản hóa điều kiện cấp Giấy phép sản xuất thuốc lá; (ii) Tiếp tục duy trì việc cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện trồng cây thuốc lá; (iii) Bổ sung hình thức cấp Giấy phép sản xuất thuốc lá cho doanh nghiệp đầu tư vốn tại doanh nghiệp có Giấy phép (Công ty mẹ – Tổng công ty); (iv) Bãi bỏ quy định về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu thuốc lá tiêu thụ trong nước; (v) Nới lỏng các quy định về quản lý MMTB chuyên ngành thuốc lá.

Tuy nhiên, nhìn chung việc tham gia có trách nhiệm vào hoạt động xây dựng chính sách, pháp luật tại doanh nghiệp nhà nước nói chung và Tổng công ty nói riêng vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế. Có thể chỉ ra một số hạn chế như sau: (1) Chưa tích cực, chủ động trong công tác kiến nghị, xây dựng chính sách, pháp luật cũng xuất phát từ việc lấy ý kiến, đề nghị tham gia ý kiến của cơ quan chủ trì xây dựng và ban hành VVQPPL đôi khi mang tính chất hoàn thiện thủ tục của đối tượng chịu tác động văn bản (2) Nội dung ý kiến, kiến nghị chưa toàn diện, chất lượng và phù hợp (do thời gian lấy ý kiến khá gấp và không đủ dữ liệu để đánh giá toàn diện) (3) các kiến nghị của DN đến cơ quan có thẩm quyền chưa được xem xét thấu đáo do cân đối việc ảnh hưởng đến lợi ích của nhà nước, tổ chức cá nhân khác…

Những điểm hạn chế nêu trên có thể dẫn đến các hệ quả như sau: (1) Quyền, lợi ích hợp pháp của chính doanh nghiệp nhà nước bị ảnh hưởng, hoạt động sản xuất kinh doanh không hiệu quả, không hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh do chủ sở hữu giao; (2) Ảnh hưởng đến các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác hoạt động cùng ngành nghề; (3) Không làm tròn nhiệm vụ, vai trò dẫn dẵn phát triển đối với ngành, lĩnh vực và các doanh nghiệp khác (4) ảnh hưởng đến tính khả thi, hiệu quả của VBQPPL…

Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác kiến nghị, xây dựng chính sách, pháp luật của doanh nghiệp nhà nước trong hoạt động sản xuất kinh doanh

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác kiến nghị, xây dựng chính sách, pháp luật về sản xuất kinh doanh của Doanh nghiệp Nhà nước nói chung và Tổng công ty nói riêng, một số đề xuất được nêu ra như sau:

Một, nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm trong công tác kiến nghị, xây dựng chính sách pháp luật về sản xuất kinh doanh để phát huy vai trò dẫn dắt phát triển các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác của doanh nghiệp nhà nước nói chung, và vai trò giúp Nhà nước định hướng, thực thi các chính sách kiểm soát hoạt động sản xuất kinh doanh thuốc lá của Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam nói riêng.

Hai, tích cực nghiên cứu, tìm hiểu các chính sách, pháp luật về sản xuất kinh doanh để áp dụng trong công tác chuyên môn của bản thân, cũng như kịp thời nhận diện những vướng mắc, bất cập của chính sách, pháp luật và chủ động đề xuất ý tưởng, kiến nghị để hoàn thiện hệ thống pháp luật về kinh doanh.

Ba, nắm chắc những nguyên tắc, tiêu chí đánh giá, thẩm định văn bản quy phạm pháp luật để nâng cao chất lượng công tác kiến nghị, xây dựng chính sách, pháp luật về sản xuất kinh doanh.

Bốn, tổ chức và phát động các đợt tuyên truyền, các buổi sinh hoạt chuyên đề trong Đảng bộ Tổng công ty và các đơn vị thành viên nhằm tăng cường hoạt động thảo luận, nghiên cứu; huy động tối đa nguồn lực và các ý kiến đa chiều của toàn bộ các Đảng viên, cán bộ, công nhân viên trong Tổng công ty cùng đóng góp cho công tác xây dựng chính sách, pháp luật về sản xuất kinh doanh theo đặc thù của từng đơn vị.

  • Tag:

Bài viết liên quan