Kiến nghị đưa thuốc lá thế hệ mới vào hệ thống quản lý nhà nước

Tin Hoạt động 19/03/2024

Ngày 19/3, hội thảo “Thuốc lá thế hệ mới tại Việt Nam: Khuyến nghị chính sách” đã diễn ra tại Hà Nội, cung cấp góc nhìn toàn cảnh về thị trường, đồng thời kiến nghị các giải pháp nhằm tăng cường quản lý nhà nước và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Hội thảo diễn ra với sự chứng kiến của đại diện các đơn vị thuộc Bộ Công thương, Bộ Y tế, Bộ Công An, Bộ Tư pháp, Tổng cục Quản lý thị trường. Đặc biệt có sự tham gia của các Đại biểu Quốc hội đến từ Ủy ban Tư pháp, Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội và các chuyên gia Kinh tế – Xã hội đầu ngành.

Phát biểu khai mạc, Ông Nguyễn Chí Nhân – Trưởng ban Pháp chế-Thông tin-Đào tạo Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam cho biết: Hiện nay thuốc lá thế hệ mới (TLTHM) bao gồm thuốc lá làm nóng (TLLN) và thuốc lá điện tử (TLĐT) đang phát triển mạnh mẽ và trở thành xu hướng trên thế giới. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều cách hiểu chưa đồng nhất về các dòng sản phẩm, dẫn tới thực tế người tiêu dùng chưa được tiếp cận với các thông tin đầy đủ, chính thống. Việt Nam hiện đang thiếu một khung pháp lý phù hợp để quản lý các sản phẩm này, dẫn đến nhiều hệ lụy về kinh tế và xã hội. Do đó, cần có sự đánh giá nghiêm túc từ các chuyên gia và đại diện cơ quan quản lý nhà nước về vấn đề này.

Ông Nguyễn Chí Nhân – Trưởng ban Pháp chế VTA phát biểu tại Hội thảo

Tại hội thảo, các đại diện đã có những nội dung tham luận nhằm làm rõ các khái niệm về 2 dòng sản phẩm TLLN và TLĐT, đồng thời tham chiếu các thông lệ, quy định trên thế giới đối với TLTHM.

Về mặt sức khỏe, BS. Lê Đình Phương – Trưởng khoa Nội và Y học gia đình – Bệnh viện FV, Giảng viên Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch đã đưa ra các cơ sở khoa học phân tích xu hướng giảm tác hại của thuốc lá thông qua việc sử dụng thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng.

BS. Lê Đình Phương – Trưởng khoa Nội và Y học gia đình – Bệnh viện FV, Giảng viên Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch

Hội thảo ghi dấu ấn đặc biệt với phần thảo luận bàn tròn giữa đại diện Bộ Công thương, Bộ Y tế, Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Tư pháp và các Đại biểu Quốc hội, các chuyên gia trong Tổ Tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính Phủ.

Các đại diện đã mổ xẻ chi tiết, thẳng thắn về thực trạng và kinh nghiệm quản lý TLTHM trên thế giới, từ đó khuyến nghị về công tác quản lý tại Việt Nam.

Kết thúc phiên thảo luận, các đại diện cùng thống nhất một số quan điểm về TLTHM tại Việt Nam:

  1. Theo xu hướng thế giới, sản phẩm TLTHM xuất hiện tại Việt Nam ngày càng phổ biến và có xu hướng gia tăng. Dựa trên các bằng chứng khoa học, tiềm năng giảm tác hại của TLTHM so với thuốc lá điếu đã được nhiều chính phủ tại các quốc gia phát triển và các tổ chức y khoa quốc tế uy tín công nhận.
  2. Việt Nam chưa ban hành chính sách quản l‎ý nên toàn bộ/hầu hết các sản phẩm TLTHM đang lưu thông trên thị trường đều là hàng lậu, không có nguồn gốc xuất xứ, tiềm ẩn nhiều rủi ro sức khỏe cho người tiêu dùng. Thuốc lá điện tử lậu chiếm tới 90% thị trường TLTHM tại Việt Nam. Các rủi ro về an toàn, sức khỏe được ghi nhận chủ yếu xảy ra đối với người sử dụng thuốc lá điện tử hệ thống mở bất hợp pháp, không liên quan tới thuốc lá điện tử hệ thống đóng, thuốc lá điện tử hợp pháp sản xuất theo tiêu chuẩn của nhà sản xuất và luật pháp quy định.
  3. Thuốc lá làm nóng và thuốc lá điện tử có chứa nicotin phù hợp với định nghĩa sản phẩm thuốc lá của Luật Phòng chống tác hại thuốc lá, có cùng một cơ chế hoạt động để tạo ra khí hơi (sol khí) có chứa nicotin để người tiêu dùng hít vào mà không có quá trình đốt cháy, tuy nhiên có khác biệt về nguyên liệu sử dụng. Thuốc lá làm nóng sử dụng nguyên liệu thuốc lá được làm nóng bằng thiết bị điện tử. Thuốc lá điện tử sử dụng thiết bị điện tử để hóa hơi dung dịch có chứa nicotin được chiết xuất từ nguyên liệu thuốc lá. Các sản phẩm này đã được Tổ chức Hải quan thế giới phân loại theo nhóm mới mã HS 24.04, khác biệt với nhóm thuốc lá truyền thống. Tại kỳ họp Hội nghị COP 8 về tham gia Công ước Khung về kiểm soát thuốc lá (FCTC), Tổ chức Y tế Thế giới xác định thuốc lá làm nóng là sản phẩm thuốc lá, khuyến nghị các quốc gia xem xét áp dụng các biện pháp quản lý và chính sách theo FCTC và luật quốc gia (Nguồn: WHO).
  4. Một số quốc gia có chính sách chuyển đổi người hút thuốc lá truyền thống sang dùng thuốc lá điện tử như Anh Quốc, hoặc công nhận tiềm năng giảm thiểu rủi ro và khuyến khích chuyển đổi sang thuốc lá điện tử như New Zealand. Cụ thể, Chính phủ Anh đã thực hiện chiến dịch quốc gia năm 2024 mang tên “Swap to Stop” (Chuyển đổi để cai thuốc lá), lần đầu tiên trên thế giới cung cấp miễn phí thuốc lá điện tử cho 1 triệu người hút thuốc lá để họ chuyển đổi và hướng đến cai thuốc lá (Nguồn: Chính phủ Anh Quốc). Trong khi đó, Chính phủ New Zealand công khai ủng hộ sản phẩm thuốc lá điện tử trên trang web chính thức của Bộ Y Tế quốc gia này với thông điệp “Sử dụng thuốc lá điện tử ít có hại hơn hút thuốc lá”, và “Thuốc lá điện tử có thể giúp bạn cai thuốc lá” (Nguồn: Bộ Y tế New Zealand).
  5. Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) cũng công bố: việc cho phép sản phẩm thuốc lá làm nóng của công ty Philip Morris International (PMI) được kinh doanh tại Mỹ cùng với chỉ định là sản phẩm thuốc lá “Điều chỉnh nguy cơ – Giảm thiểu phơi nhiễm” (của cơ thể người dùng với các chất độc hại hoặc tiềm năng gây hại có trong thuốc lá) là thích hợp để cải thiện sức khỏe cộng đồng và kỳ vọng mang lại lợi ích cho sức khỏe của người dân nói chung (Nguồn: FDA).
  6. Qua nghiên cứu thực tế, việc một số ít quốc gia áp dụng lệnh cấm TLTHM là không khả thi, trong bối cảnh thế giới có nhiều quốc gia đã hợp pháp sản phẩm, tại thị trường Việt Nam chưa có sản phẩm hợp pháp thay thế. Việc cấm TLTHM sẽ không giải quyết được tận gốc mọi vấn đề vì khi có nhu cầu mà không thể tìm được nguồn cung hợp pháp, người tiêu dùng đã và sẽ tiếp tục tìm đến các sản phẩm bất hợp pháp với rất nhiều hệ lụy về sức khỏe và kinh tế, xã hội.
  7. Thuốc lá thế hệ mới, bao gồm cả thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng không thuộc danh mục ngành nghề cấm kinh doanh theo Luật Đầu Tư. Vì vậy, Việt Nam nên khảo cứu các kinh nghiệm quốc tế để đưa ra hướng quản lý toàn diện đối với các sản phẩm TLTHM (gồm TLĐT và TLLN) dựa trên tính phù hợp với định nghĩa của hệ thống pháp luật Việt Nam, cũng như trên cơ sở phân tích các tác động đến người tiêu dùng, doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước.
  8. Chính phủ cần tăng cường hợp tác với các chủ thể của ngành thuốc lá, các hiệp hội tiêu dùng, tổ chức nghiên cứu – khoa học uy tín độc lập để nắm bắt xu hướng phát triển của TLTHM, đặc điểm cấu tạo và sự phát triển của từng loại sản phẩm, cập nhật bằng chứng khoa học đúng đắn, tiếp tục hoàn thiện khung chính về quản lý, giảm thiểu tác hại, nâng cao nhận thức thực chất đối với người sử dụng.
  9. Một khung pháp lý toàn diện sẽ bao gồm quy định về tiêu chuẩn chất lượng, quy chuẩn sản phẩm, điều kiện kinh doanh, sản xuất, xuất – nhập khẩu và phân phối sản phẩm, chính sách về thuế, các quy định về ghi nhãn hàng hóa… Hiện nay Việt Nam đã có khuôn khổ khá đầy đủ và tương đồng, cần đặt ra một số điều chỉnh để phù hợp hơn với yêu cầu thực tế và từng bước hoàn thiện cơ chế quản lý phù hợp đối với các sản phẩm TLTHM.

Hội thảo một lần nữa khẳng định tính cấp thiết cần phải có một khuôn khổ pháp lý để quản lý hiệu quả TLTHM tại Việt Nam, đồng thời bày tỏ mong muốn những thông tin trình bày và thảo luận tại hội thảo sẽ là nguồn tham khảo hữu ích cho các bên liên quan, đặc biệt là các cơ quan quản lý nhà nước trong quá trình nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện các chính sách pháp luật về thuốc lá thế hệ mới tại Việt Nam.

  • Tag:

Bài viết liên quan