Chiều 25/3, Đoàn công tác của Bộ Công Thương do Thứ trưởng Phan Thị Thắng làm trưởng đoàn đã đi khảo sát vùng nguyên liệu thuốc lá tại huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai. Cùng tham dự có đại diện UBND tỉnh Gia Lai và Lãnh đạo Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam và các chuyên gia, cán bộ kỹ thuật của Công ty Cổ phần Hòa Việt, Công ty liên doanh Thuốc lá BAT – Vinataba
Tại đây, đoàn công tác đã nghe đại diện Công ty Cổ phần Hòa Việt báo cáo về vùng trồng nguyên liệu thuốc lá, quy trình chăm sóc, thu hoạch, chế biến,… xác định, đây là vùng trồng có thổ nhưỡng và khí hậu thích hợp với cây thuốc lá, chất lượng nguyên liệu thuốc lá của vùng được đánh giá là tốt nhất nước ta.
Mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người nông dân
Gia Lai là một trong những tỉnh có diện tích trồng nguyên liệu thuốc lá lớn nhất của các đơn vị trong Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam và trồng tập trung chủ yếu tại địa bàn các huyện Krong Pa, Ayun Pa, Ia Pa.
Hiện tại, Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam đang có 2 đơn vị đầu tư trồng cây thuốc lá tại tỉnh Gia Lai gồm Công ty Thuốc lá Bến Tre và Công ty cổ phần Hòa Việt. Trong đó, Công ty Cổ phần Hòa Việt đang đầu tư và hợp tác đầu tư với Công ty TNHH Liên doanh thuốc lá BAT-Vinataba tại tỉnh Gia Lai. Tổng diện tích đầu tư của các đơn vị của tổng công ty trên cả nước năm 2023 khoảng 5.561 ha, trong đó tại Gia Lai là 1.193 ha.
Ông Nguyễn Duy Lộc, Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Gia Lai chia sẻ, tại huyện Krông Pa, sản xuất thuốc lá nguyên liệu được coi là thế mạnh của huyện chiếm 1/3 tỷ trọng giá trị sản lượng nông nghiệp. Thuốc là là loài cây trồng chủ lực của huyện, mang lại nguồn thu nhập cho người nông dân và nguồn thu ngân sách lớn.
Câu chuyện thuốc lá Krông Pa được biết đến khi năm 1991, Công ty Nguyên liệu Thuốc lá Nam (nay là Công ty Cổ phần Hòa Việt) đầu tư mô hình trồng thử nghiệm cây thuốc lá vàng sấy ở Krông Pa. Qua thử nghiệm cho thấy, cây thuốc lá rất phù hợp với đồng đất và khí hậu nơi đây.
Bởi thế mà từ 3 ha trồng thử nghiệm năm 1991, đến nay Krông Pa đang sở hữu diện tích thuốc lá lớn nhất tỉnh. Vụ đông xuân 2022 – 2023, Gia Lai có khoảng trên 3.000 ha, riêng huyện Krông Pa đã có đến 2.200 ha, trong đó 2.000 ha thuốc lá sợi vàng và 200 ha thuốc lá nâu, sản lượng ước đạt trên 5.500 tấn thuốc lá sấy khô.
Hàng năm, Sở Công Thương đã thành lập đoàn thanh tra việc chấp hành pháp luật trong hoạt động sản xuất và kinh doanh thuốc lá của các đơn vị đầu tư nguyên liệu thuốc lá trên địa bàn. Thông qua kết quả thanh, kiểm tra đã kịp thời hướng dẫn, chấn chỉnh các đơn vị thực hiện tốt công tác đầu tư, thu mua nguyên liệu thuốc lá trên địa bàn tỉnh.
Ông Nguyễn Duy Lộc thông tin thêm, đến nay đơn vị đã cấp cho 25 đơn vị Giấy chứng nhận đủ điều kiện đầu tư trồng cây thuốc lá vàng sấy và thuốc lá nâu trên địa bàn các huyện Krông Pa, Phú Thiện, Ia Pa và thị xã Ayun Pa (trong đó 01 doanh nghiệp ngừng hoạt động năm 2024 và 01 đơn vị tạm ngừng hoạt động trong năm 2024).
Diện tích các đơn vị đầu tư trồng cây thuốc lá trong toàn tỉnh niên vụ 2023 – 2024 đạt 4.933,5 ha, định hướng trong những năm tới tiếp tục ổn định diện tích 5.000 ha, trong đó tập trung đầu tư nâng cao năng suất đạt 2,5 tấn/ha.
Từng bước thay thế nguyên liệu ngoại nhập
Sau khi đi thực tế và nghe các đơn vị liên quan báo cáo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng đánh giá: Để phát triển vùng trồng nguyên liệu thuốc lá Việt Nam ổn định và bền vững; đồng thời nâng cao năng suất, chất lượng nguyên liệu thuốc lá nội địa nhằm giảm bớt phụ thuộc và từng bước thay thế nguyên liệu ngoại nhập cần có nhiều giải pháp đồng bộ từ các bộ, ngành và địa phương với các đơn vị sản xuất nguyên liệu, đơn vị sản xuất thuốc lá điếu nhằm tạo môi trường đầu tư lành mạnh, cạnh tranh công bằng.
Thứ trưởng Phan Thị Thắng giao Cục Công nghiệp nghiên cứu phối hợp với Vụ Khoa học và Công nghệ, các đơn vị liên quan triển khai có hiệu quả hệ thống truy xuất nguồn gốc lá thuốc lá tại vùng nguyên liệu thuốc lá Việt Nam, trong đó có vùng trồng tại Gia Lai đã được Bộ Công Thương giao thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghiệp cấp Bộ nhằm truy xuất chính xác nguồn gốc, chất lượng nguyên liệu thuốc lá ở trong nước và nhập khẩu.
Đồng thời, phải thực hiện việc theo dõi, quản lý, kiểm tra tình hình đầu tư, tăng cường hoạt động giám sát đối với vùng trồng nguyên liệu trong nước thông qua hoạt động kiểm tra tại các vùng trồng từ đầu vụ và kết thúc vụ.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng giao Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam sớm hoàn thiện các dự án đầu tư, tăng cường đầu tư trong lĩnh vực nguyên liệu và phụ liệu thuốc lá nhằm đảm bảo đáp ứng đầy đủ về nhu cầu nguyên liệu và phụ liệu, chú trọng phát triển nguyên liệu nội địa để chủ động sản xuất, thay thế nhập khẩu.
Nghiên cứu áp dụng các quy trình kỹ thuật vào trồng trọt, chăm sóc, hái sấy tiên tiến nhằm tăng năng suất và chất lượng nguyên liệu nhằm cung cấp nguyên liệu chất lượng cao cho các nhà máy sản xuất thuốc lá điếu trong nước và xuất khẩu; hỗ trợ kinh phí đào tạo cán bộ kỹ thuật trồng cây thuốc lá và đào tạo nghề cho nông dân.
Phối hợp với Sở Công Thương, Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai có cơ chế tiếp tục hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, giao thông, thủy lợi đối với những vùng nguyên liệu nói chung trong đó có vùng nguyên liệu thuốc lá.