Việc thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá tăng đột ngột sẽ đẩy giá bán sản phẩm hợp pháp tăng mạnh, thậm chí kích cầu tiêu dùng tìm đến nguồn hàng lậu. Việc làm này có thể khiến mục tiêu giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá của Chính phủ không thể thực hiện, do đó cần xây dựng theo lộ trình phù hợp. Đây là ý kiến của nhiều đại biểu tại hội thảo “Thuế tiêu thụ đặc biệt đối với sản phẩm thuốc lá” do Hội Tư vấn Thuế Việt Nam (VTCA) phối hợp với Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính, Bộ Tài Chính (NIF) thực hiện.
Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi đang được lấy ý kiến, Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá rất cao. Theo đó, trong dự thảo Luật Thuế tiêu thụ sửa đổi, Bộ Tài chính đề xuất hai phương án. Phương án 1: năm 2026 vẫn giữ nguyên mức 75% và bổ sung 2.000 đồng/bao. Từ năm 2027 – 2030, mỗi năm thuế tăng thêm 2.000 đồng/bao. Đến năm 2030, mức thuế tuyệt đối là 10.000 đồng/bao. Phương án 2: năm 2026 khi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi chính thức có hiệu lực, cùng với việc giữ nguyên tỉ lệ tính thuế 75% trên giá bán như hiện nay, mức thuế tuyệt đối với thuốc lá là 5.000 đồng/bao.
Tính toán lộ trình phù hợp để tránh “kích cầu hàng lậu”
Bày tỏ tại Hội thảo “Thuế tiêu thụ đặc biệt đối với sản phẩm thuốc lá”, nhiều chuyên gia ủng hộ tăng thuế tiêu thụ đặc biệt nhằm giúp điều tiết hành vi người dùng và tăng thu ngân sách. Tuy nhiên, các chuyên gia lo ngại thuế TTĐB với thuốc lá tăng sốc sẽ đẩy giá bán thuốc lá hợp pháp tăng mạnh, người tiêu dùng sẽ tìm đến nguồn hàng lậu vốn không chịu ảnh hưởng bởi thuế để thay thế.
Liên quan đến dự thảo này, bà Tô Kim Huệ, đại diện Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính (Bộ Tài chính) đưa ra nghiên cứu khoa học, cho thấy hai phương án tăng thuế TTĐB dành cho thuốc lá hiện nay đều có mức tăng khá cao, dẫn tới nhiều hệ quả như: ảnh hưởng việc làm của 350.000 tới 400.000 người lao động trong chuỗi giá trị, đồng thời có thể làm tăng tới 300% sản lượng thuốc lá lậu được tiêu thụ trong nước.
Ông Nguyễn Chí Nhân – Tổng thư ký Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam – cho rằng cả hai phương án mà Bộ Tài chính đề xuất quá đột ngột với doanh nghiệp. Điều này sẽ tác động tiêu cực đến ngành thuốc lá. Do vậy ông Nhân đề xuất mức tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá vào năm 2026 là 1.000 đồng/bao. Mỗi năm sau tăng 500 đồng/bao và đến năm 2030 là 3.000 đồng/bao. Phương án đề xuất này nhằm tạo ra mức tăng thuế hợp lý, hỗ trợ doanh nghiệp thuốc lá hợp pháp có thời gian thích nghi và ổn định sản xuất, từ đó giảm thiểu tối đa tác động tiêu cực việc làm của người lao động, đảm bảo an sinh xã hội. Phương án này cũng giúp hạn chế tốc độ tăng trưởng của thuốc lá lậu, đảm bảo mục tiêu tăng trưởng ngân sách bền vững trong dài hạn với mức thu ngân sách ước tính đạt khoảng 29,5 – 30 nghìn tỷ đồng vào năm 2030, tăng trưởng 7% – 9%/năm.
“Đến năm 2030, sản lượng thuốc lá nội địa hợp pháp dự kiến sẽ giảm gần 1 tỷ bao và ước tính tỷ lệ hút thuốc sẽ còn 37,4%. Điều này hoàn toàn phù hợp với chủ trương của Nhà nước về mục tiêu giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong cộng đồng nhưng vẫn đảm bảo sự hài hòa về nguồn cung hợp pháp để phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và ngăn chặn họ chuyển sang sử dụng thuốc lá nhập lậu,” Ông Nguyễn Chí Nhân cho hay.
Bài học kinh nghiệm quốc tế
Chia sẻ các bài học kinh nghiệm từ quốc tế, bà Đinh Thị Quỳnh Vân, Chủ tịch PwC Việt Nam chỉ ra tại Đức, trong giai đoạn 2002 – 2005, thuế tuyệt đối với sản phẩm thuốc lá tăng 48% và thuế tương đối tăng khoảng 8%. Theo đó, người tiêu dùng chuyển sang mua thuốc lá từ các quốc gia khác, lượng tiêu thụ thuốc lá hợp pháp giảm khoảng 34% và ngân sách Nhà nước bị trì trệ. Năm 2011, nước Anh cũng tăng 30% thuế tuyệt đối và khiến cho thuốc lá nhập lậu gia tăng, chiếm khoảng 20% thị trường vào năm 2016. Tình trạng này đã gây thất thu thuế khoảng 3,2 tỷ USD. Đối với Malaysia, sau khi tăng thuế vào giai đoạn 2014 – 2015, sản lượng thuốc lá hợp pháp giảm tới 55% chỉ sau 5 năm. Song thuốc lá lậu tăng mạnh và chiếm 65% thị phần vào năm 2020, gây thất thoát khoảng 1 tỷ USD tiền thuế.
Với Việt Nam, bà Quỳnh Vân cho rằng kịch bản trên cũng có thể xảy ra nếu thuế tiêu thụ đặc biệt thuốc lá tăng quá nhanh. Theo tính toán, sản lượng thuốc lá hợp pháp có thể sẽ giảm hơn 70% vào năm 2030 so với hiện tại. Cùng với đó, thuốc lá lậu sẽ tăng thêm khoảng 50 tỷ điếu vào năm 2030, dẫn đến thất thu thuế từ thuốc lá lậu có thể lên đến 40 nghìn tỷ đồng (so với mức 5 – 6 nghìn tỷ đồng hiện tại). Thêm vào đó, hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ bị ảnh hưởng nặng nề và rủi ro nhiều doanh nghiệp thu hẹp sản xuất, thậm chí đóng cửa tương tự như tại Malaysia.
Đề cập đến thực trạng quản lý thuốc lá lậu tại Việt Nam, ông Kiều Dương, Vụ trưởng Vụ Chính sách, Pháp chế, Tổng cục Quản lý Thị trường (Bộ Công Thương) cho biết: tình hình buôn lậu thuốc lá vẫn diễn ra khá phức tạp với 59.639 vụ bị bắt giữ, 37,5 triệu bao thuốc lá lậu bị tịch thu và 22,1 triệu bao thuốc lá lậu bị tiêu hủy trong giai đoạn 5 năm (2019 – 2023). Theo đó, Nhà nước đã bị thất thu thuế khoản 5.000 – 6.000 tỷ đồng đồng/năm. Ông Kiều Dương cho biết rất ủng hộ tăng thuế tiêu thụ đặc biệt nhằm giúp điều tiết hành vi người dùng và tăng thu ngân sách. Nhưng, ông nhấn mạnh nếu thuế suất tăng đột ngột khiến giá bán của sản phẩm hợp pháp cao đồng thời người tiêu dùng có xu hướng tìm đến thuốc lá lậu để thay thế. Trong khi đó, công tác phòng chống buôn lậu thuốc lá tại Việt Nam vẫn đang diễn biến phức tạp. Vì vậy, ông Dương cho rằng chính sách thuế cần được điều chỉnh hợp lý để làm giảm động lực của những người buôn lậu đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất thuốc lá đầu tư vào việc nâng cao chất lượng sản phẩm