Thuốc lá Oriental là nhóm thuốc lá có sản lượng lớn thứ 3 ở quy mô toàn cầu sau các chủng loại thuốc lá vàng sấy lò và thuốc lá Burley sấy hong gió. Sản lượng nguyên liệu Oriental của thế giới thường dao động quanh mức 200.000 tấn trong các năm gần đây (Universal Leaf Tobacco Company, 2021). Thuốc lá Oriental tuy được trồng ở tất cả các châu lục nhưng diện tích chủ yếu tập trung tại vùng biển Địa Trung Hải và biển Đen với 4 quốc gia sản xuất chính gồm Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ, Bungari và Bắc Macedonia. Ngoài vùng truyền thống trên thì tại châu Á thuốc lá oriental được trồng đáng kể tại Ấn Độ, Trung Quốc, Iran và Thái Lan. Trung Quốc có sản lượng đáng kể thuốc lá Oriental với vùng trồng chính tại Châu Bảo Sơn, tỉnh Vân Nam (Davis. D. L., Nielsen M. T., 1999).
Thuốc lá Oriental với đặc tính có hương thơm tự nhiên nên thường tham gia như thành phần tạo hương trong các mác thuốc điếu gu hỗn hợp. Các đơn vị sản xuất thuốc lá điếu trong nước đã phải nhập khẩu lượng nguyên liệu Oriental để sử dụng trong phối chế với sản lượng khoảng 1.000 tấn/năm.
Từ nhu cầu thực tế về nguyên liệu thuốc lá Oriental cho sản xuất thuốc điếu trong nước cho thấy nếu sản xuất được loại nguyên liệu này tại Việt Nam không những nâng cao tính chủ động cho ngành thuốc lá mà còn góp phần tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động.
Quá trình nghiên cứu và sản xuất thử nghiệm nguyên liệu thuốc lá Oriental tại Việt Nam
Nhằm nâng cao tính chủ động về nguồn nguyên liệu cho sản xuất thuốc lá điếu trong nước, trên cơ sở mối quan hệ hợp tác giữa Viện Thuốc lá với Viện Thuốc lá và các sản phẩm thuốc lá Bungari (VTL Bungari), Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam đã giao cho Viện Thuốc lá nhiệm vụ nghiên cứu trồng thử nghiệm thuốc lá Oriental với nguồn giống và tư vấn kỹ thuật từ phía VTL Bungari.
Viện Thuốc lá đã tiến hành trồng thử nghiệm thuốc lá Oriental tại Ninh Thuận từ vụ Mùa 2019 – 2020 với 6 giống được cung cấp bởi VTL Bungari. Kết quả ban đầu cho thấy các giống này phát triển tốt và cho năng suất cao, với tỷ lệ lá cấp 1+2 tương đương như trồng tại Bungari. Tuy nhiên, có một số hạn chế như nước tưới nhiễm mặn gây ra hàm lượng clo cao trong nguyên liệu, ảnh hưởng đến chất lượng cuối cùng của sản phẩm.
Nhằm khắc phục các hạn chế trên, việc trồng thử nghiệm nguyên liệu thuốc lá Oriental đã được chuyển sang thực hiện tại Ea Súp – Đắk Lắk từ vụ Mùa 2021. Các nghiên cứu tiếp tục được triển khai từ vụ mùa 2021 – 2023, với 2 giống có tiềm năng là Basma 16 và Hanski 227. Kết quả cho thấy giống Hanski 227 có hiệu quả hơn, với tỷ lệ lá cấp 1+2 và chất lượng nguyên liệu tốt hơn so với giống Basma 16.
Trên cơ sở các kết quả khảo nghiệm giống và thử nghiệm các kỹ thuật trồng, thu hái và hong phơi qua các năm 2021-2023, quy trình trồng và sơ chế thuốc lá Oriental giống Hanski 227 đã được xây dựng, ban hành để áp dụng trong sản xuất. Việc công bố lưu hành giống Hanski 227 phục vụ sản xuất nguyên liệu Oriental tại Việt Nam đã được Bộ Nông nghiệp và PTNT chấp thuận trong tháng 11/2023 là cơ sở để sản xuất loại nguyên liệu này tại Việt Nam.
Để từng bước đưa nguyên liệu thuốc lá Oriental vào sản xuất thực tế tại Việt Nam, Viện Thuốc lá tiếp tục triển khai sản xuất thử nghiệm thuốc lá Oriental giống Hanski 227 tại Đắk Lắk trong vụ Mùa 2024 trên quy mô 3,0 ha. Công việc này cũng nhằm mục đích trình diễn, giới thiệu kỹ thuật và mô hình sản xuất nguyên liệu thuốc lá Oriental, cùng việc hoàn thiện quy trình kỹ thuật thu hoạch và hong sơ chế để nâng cao chất lượng nguyên liệu. Kết quả sơ bộ cho thấy triển vọng tích cực trong việc nâng cao chất lượng nguyên liệu thuốc lá Oriental tại Đắk Lắk.
Hội thảo khoa học triển vọng sản xuất nguyên liệu thuốc lá Oriental tại Việt Nam
Trong khuôn khổ nghiên cứu của nhiệm vụ “Sản xuất thử và nghiên cứu kỹ thuật thu hoạch, hong phơi thuốc lá Oriental giống Hanski 227 tại Đắk Lắk”, ngày 26 tháng 8 năm 2024, Viện Thuốc lá đã tổ chức Hội thảo khoa học để đánh giá về triển vọng sản xuất nguyên liệu thuốc lá Oriental tại Việt Nam. Thành phần tham dự Hội thảo gồm: Đại diện lãnh đạo Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam – Bà Nguyễn Diệu Hương – Phó Tổng giám đốc; Lãnh đạo Ban Kỹ thuật và Công nghệ; Đại diện các phòng Kỹ thuật và công nghệ, Nghiên cứu và phát triển các công ty sản xuất thuốc điếu Sài Gòn, Thăng Long, Thanh Hóa và Bắc Sơn.
Tại hội thảo, các đại biểu cùng nhau thảo luận về các kết quả nghiên cứu và sản xuất thử nghiệm nguyên liệu thuốc lá Oriental tại Việt Nam, cụ thể:
– Mẫu nguyên liệu thuốc lá Oriental giống Hanski 227 sản xuất thử tại Đắk Lắk trong vụ mùa 2024 được các đại biểu đánh giá cao, bởi hương thơm đặc trưng khá, cường độ hương khá và tính chất hút khá. Mẫu nguyên liệu vụ mùa 2024 được các thành viên đánh giá khá nhất trong các năm trồng thử nghiệm tại Đắk Lắk, từ 2021 – 2024 và được đánh giá gần tương đương các mẫu nhập khẩu từ châu Âu và khá hơn so với mẫu đối chứng cũng như các mẫu nhập khẩu từ Ấn Độ.
– Đại diện các công ty Thuốc lá Sài Gòn, Thăng Long, Thanh Hóa, Bắc Sơn đều cho rằng mẫu nguyên liệu sản xuất tại Đắk Lắk có thể đáp ứng được yêu cầu phối chế của đơn vị và kiến nghị Viện cần sản xuất số lượng đủ lớn để cung cấp.
– Viện cần tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện kỹ thuật sơ chế, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và hạ giá thành sản phẩm. Cần có tính toán giá thành sản xuất, lợi nhuận của nông dân, lợi nhuận của đơn vị sản xuất nguyên liệu, giá bán sản phẩm và so sánh giá trị kinh tế với cây thuốc lá vàng sấy, burley và các cây trồng phổ biến tại địa phương.
– Viện Thuốc lá cần nhanh chóng chuyển giao tiến bộ kỹ thuật đến đối tượng nông dân và tổ chức sản xuất nguyên liệu thuốc lá Oriental để từng bước có số lượng đủ đáp ứng nhu cầu của các công ty sản xuất thuốc lá điếu.
Kết luận Hội thảo, ông Nguyễn Văn Vân – Giám đốc Viện Thuốc lá, Chủ trì Hội thảo khoa học đã đưa ra các đánh giá:
– Hội thảo đã thành công tốt đẹp khi đại diện chuyên môn về kỹ thuật và công nghệ từ các đơn vị thành viên trong Tổng công ty về tham dự đầy đủ và cho các ý kiến nhận xét xác thực về chất lượng nguyên liệu thuốc lá Oriental sản xuất tại Việt Nam;
– Nguyên liệu thuốc lá Oriental giống Hanski 227 sản xuất tại Đắk Lắk có chất lượng khá, phù hợp cho phối chế sản xuất thuốc điếu của các đơn vị trong Tổng công ty và được các đơn vị sẵn sàng bao tiêu sản phẩm do Viện cung cấp;
– Các đơn vị sản xuất thuốc điếu xem xét sử dụng sản phẩm nguyên liệu Oriental sản xuất trong nước nhằm chủ động nguồn nguyên liệu và có giải pháp hỗ trợ Viện Thuốc lá trong những năm đầu phát triển sản xuất loại nguyên liệu này;
– Chủ nhiệm nhiệm vụ tiếp thu các ý kiến của các thành viên tham gia Hội thảo; nghiên cứu xây dựng đề án chuyển giao kỹ thuật, tổ chức sản xuất nguyên liệu thuốc lá Oriental tại Đắk Lắk trong vụ mùa 2024 – 2025 với quy mô diện tích từ 20 – 30 ha để có sản lượng đáng kể cung cấp cho các đơn vị sản xuất thuốc điếu. Trong thực hiện đề án cần tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện kỹ thuật sơ chế để nâng cao chất lượng và giảm giá thành.