Năm 2022, ngành Thuốc lá phải đứng trước thách thức vô cùng khó khăn, hoạt động sản xuất kinh doanh tại thị trường nội địa và xuất khẩu đều bị tác động mạnh bởi dịch bệnh Covid-19, tình hình kinh tế – chính trị trên thế giới có nhiều biến động phức tạp. Nhưng với sự năng động, tinh thần trách nhiệm cao, Ban lãnh đạo Công ty Thuốc lá Thăng Long đã tập trung chỉ đạo, khắc phục mọi khó khăn, đề ra những giải pháp cụ thể đảm bảo sản xuất ổn định, nhờ đó Công ty đã hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra.
Xây dựng chiến lược sát thực tế, triển khai thực hiện hiệu quả
Năm 2022, Công ty Thuốc lá Thăng Long đã hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu so với kế hoạch: Sản lượng tiêu thụ sản phẩm nội địa của Công ty đạt mức tăng trưởng ấn tượng, sản lượng bán hàng đạt trên 1.179 triệu bao, tăng 9,09% so với năm trước, vượt 8,57% so với kế hoạch năm; Doanh thu đạt 6.670,92 tỷ đồng, tăng 8,17% so ước thực hiện năm 2021 và vượt 9,32% so với kế hoạch năm; Lợi nhuận trước thuế ước đạt 203,68 tỷ đồng, tăng 12,68% so thực hiện năm 2021 và vượt 12,47% so với kế hoạch năm; Nộp ngân sách đạt 4.740,21 tỷ đồng, tăng 18,04% so thực hiện năm 2021 và vượt 12,47% so kế hoạch năm; Đảm bảo công ăn việc làm cho hơn 1.600 CBCNV công ty với mức thu nhập bình quân trên 24,5 triệu đồng/người/tháng.
Theo Ông Nguyễn Hữu Kiên, Giám đốc Công ty, trước những khó khăn đối với ngành thuốc lá nói chung và Thăng Long nói riêng, trong năm 2022, Công ty đã xây dựng chiến lược, kế hoạch kinh doanh sát, đúng với tình hình thực tế của doanh nghiệp trong từng tháng, từng quý.
Công ty nỗ lực phát huy tối đa năng lực sản xuất, hiệu quả sử dụng máy móc thiết bị, năng suất lao động trong Nhóm Công ty; thường xuyên rà soát, đánh giá, điều chỉnh bổ sung các định mức kinh tế – kỹ thuật đảm bảo đầy đủ, chính xác và kịp thời cho sản xuất trong điều kiện mới của Công ty và các đơn vị gia công.
Công ty tiếp tục các chương trình hợp tác dài hạn, ký các hợp đồng liên kết đầu tư, hợp đồng nguyên tắc mua nguyên liệu với các đơn vị sản xuất nguyên liệu thuốc lá thuộc Tổng công ty. Đầu tư vốn tại một số doanh nghiệp nguyên liệu, doanh nghiệp phụ liệu thuốc lá để tăng hơn nữa tính chủ động trong chuỗi cung ứng. Bên cạnh đó, tích cực tìm kiếm nguồn cung cấp phụ liệu, vật tư sản xuất trong nước với giá cả phù hợp, chất lượng đảm bảo, góp phần giảm giá thành và tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh. Thực hiện tốt chủ trương mua tối thiểu 50% nguyên liệu thuốc lá trong Tổng công ty trong tổng số nhu cầu nguyên liệu nội địa.
Đánh giá cao những kết quả đạt được của Công ty Thuốc lá Thăng Long năm qua, ông Hồ Lê Nghĩa – Bí thư Đảng ủy, CTHĐTV Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam cho rằng: Quá trình vận hành sản xuất của Thuốc lá Thăng Long rất tốt. Năm 2022 là năm thành công của Công ty, các chỉ tiêu đạt với những con số rất ấn tượng. Ban lãnh đạo Công ty đã thành công ở các quan điểm, cách thức chỉ đạo, vận hành triển khai thực hiện hiệu quả, tối ưu, phù hợp với tình hình thực tế. Đây là một trong những kinh nghiệm mà các đơn vị thuốc lá điếu cần tham khảo.
Trong các mặt nổi bật của của Công ty thuốc lá Thăng Long, ông Hồ Lê Nghĩa đánh giá cao 04 yếu tố quan trọng đã giúp Công ty đạt được kết quả tốt, đó là, Công tác tổ chức sản xuất; Công tác phối chế; Công tác Thị trường; Công tác tài chính là bốn yếu tố quan trọng đã giúp Thăng Long đạt được kết quả tốt như hôm nay. Ông Hồ Lê Nghĩa tin tưởng, năm 2023 Công ty Thuốc lá Thăng Long sẽ đạt và gặt hái được những thành công mới.
Tiên phong ứng dụng sáng kiến, sáng tạo: “Chìa khóa” nâng cao hiệu quả sản xuất
Những nỗ lực trong đổi mới, sáng tạo, đặc biệt từ các phong trào thi đua đã mang lại hiệu quả thiết thực cho Công ty Thuốc lá Thăng Long. Trong đó, phong trào thi đua “ Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, một trong những phong trào xuyên suốt quá trình phát triển của Công ty, đã giúp tiết kiệm chi phí, tăng cường sức cạnh tranh của doanh nghiệp trong thời kỳ đổi mới và hội nhập. Đó chính là “đòn bẩy” giúp nâng cao năng suất lao động, là động lực then chốt đưa doanh nghiệp phát triển bền vững.
Điển hình Phân xưởng Cuốn điếu – đóng bao – Công ty Thuốc lá Thăng Long đã tiên phong ứng dụng bổ sung mô hình quản lý sản xuất theo mô hình 5M+1E, đã góp đã góp phần không nhỏ trong thành tích chung của Công ty.
Phân xưởng Cuốn điếu – đóng bao với hơn 900 lao động, được giao quản lý một khối lượng nguồn lực lớn để tổ chức và triển khai sản xuất. Thời gian qua, mặc dù có những biến động mạnh về lực lượng lao động, khi mà lao động bổ sung chưa kịp thời đã phần nào tác động đến việc tổ chức sản xuất; bên cạnh đó, việc nắm bắt kỹ năng và yêu cầu công việc của lao động mới còn hạn chế; hệ thống máy móc thiết bị ngày một cũ, hiệu suất thiết bị ngày càng giảm; thì sự kỳ vọng về công tác tiết kiệm nguyên vật liệu, giảm phát thải, phế liệu tại các phân xưởng ngày càng được quan tâm.
Với mong muốn không chỉ là làm chậm tốc độ suy giảm hiệu suất thiết bị, tiêu hao… trên cơ sở nhận diện các yếu tố ảnh hưởng, phân xưởng Cuốn điều – đóng bao đã quyết định tiếp cận thêm phương pháp giải quyết vấn đề theo mô hình 5M+1E.
Những nỗ lực trong việc chuyển đổi sang 5M+1E cùng những giải pháp kịp thời nhận diện, đánh giá khó khăn và có các giải pháp phù hợp, hiệu quả, nên năm 2022, Phân xưởng đạt được một số kết quả tương đối khả quan. Cụ thể, sản lượng sản xuất của Phân xưởng ước đạt trên 1.272 triệu bao, vượt trên 51 triệu bao và bằng 104,2 % so với kế hoạch Công ty giao. Sản lượng sản xuất bình quân đạt 1.461 nghìn bao/người/năm, bằng năm 2021 và tăng trên 6,2% so với năm 2020. Hiệu suất thiết bị bình quân ước đạt 78,6%, tăng 0,2% so với năm 2021 và tăng trên 8% so với năm 2020.
Song song với đó, lượng phế phẩm điếu khâu cuốn giảm trên 9% so với năm 2021 và giảm trên 54% so với năm 2020, từ 0,037 kg/khay điếu của năm 2020 còn 0,022 kg của năm 2021 và ước còn 0,02 kg/khay điếu trong năm 2022. Phế phẩm điếu khâu bao đã giảm trên 6% so với năm 2021 và trên 66% so với năm 2020, từ 0,059 kg/1.000 bao của năm 2020 còn 0,031 kg của năm 2021 và ước còn 0,029 kg trong năm 2022.
Bên cạnh đó, Công ty Thuốc lá Thăng Long tiếp tục áp dụng bổ sung mô hình quản lý sản xuất 5M+1E kết hợp áp dụng hệ thống quản trị sản xuất tích hợp IWS trong Phân xưởng Cuốn điếu – đóng bao, triển khai đồng bộ và xây dựng kế hoạch lao động theo hướng hiệu quả. Công ty cũng đẩy mạnh việc trao đổi ngang để khai thác hiệu quả nguồn nhân lực. Nhằm phát huy những lợi thế trong các phân xưởng sản xuất, Công ty đặc biệt quan tâm đến việc nâng cao chất lượng giáo trình đào tạo tại các phân xưởng, đồng thời triển khai tổ chức đào tạo, kèm cặp nội bộ trong các phân xưởng, cấp Công ty và đào tạo bên ngoài cho cán bộ công nhân viên theo các nhóm đối tượng như công nhân vận hành máy cuốn, máy bao… nhằm cung cấp thêm các kiến thức, kỹ năng, kỹ thuật và phương pháp tổ chức điều hành.
Những năm qua, Công ty Thuốc lá Thăng Long luôn đặc biệt chú trọng trong nghiên cứu ứng dụng các sáng kiến cải tiến kỹ thuật và triển khai hợp lý hóa sản xuất, tái cơ cấu bố trí lao động phù hợp, nâng cao hiệu quả sản xuất. Nhận biết các lãng phí trong sản xuất về thiết bị để làm tốt hơn nữa công tác duy trì hiệu suất thiết bị tổng thể. Tiếp tục nhận diện và tìm kiếm các cơ hội cải tiến cho nguyên vật tư phụ liệu từ khâu thiết kế, in ấn, quy cách đóng gói… để ngày càng phù hợp hơn trong sản xuất.