Nhân tố quan trọng góp phần tạo nên những kết quả ấn tượng
Đảm bảo tài chính an toàn, lành mạnh
Năm 2021, sản xuất kinh doanh của ngành thuốc lá gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, với quyết tâm khắc phục khó khăn, vừa phòng chống dịch, vừa khai thác cơ hội trong khủng hoảng… Kết thúc năm 2021, đa số các chỉ tiêu sản xuất – kinh doanh của Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba) đều đạt và vượt so với kế hoạch.
Góp phần làm nên những kết quả ấn tượng năm 2021 của Vinataba, không thể không kể tới vài trò của Người đại diện phần vốn của Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam tại các doanh nghiệp (viết tắt là Người đại diện). Trong đó, Người đại diện được Tổng công ty đề cử đang là 33 cán bộ (19 cán bộ chuyên trách và 14 cán bộ kiêm nhiệm). Tất cả đều có trình độ từ Đại học trở lên (trên 50% cán bộ có trình độ Thạc sĩ), phần lớn nằm trong độ tuổi từ 40 đến 50 tuổi.
Năm 2021, Người đại diện phần vốn của Tổng công ty hoạt động ở: 4 Công ty TNHH Một thành viên (100% vốn của Tổng công ty đầu tư); Nhóm Công ty mẹ – Công ty con Thuốc lá Sài Gòn; Nhóm Công ty mẹ – Công ty con Thuốc lá Thăng Long; Công ty TNHH MTV Viện Thuốc lá; Công ty TNHH MTV Nguyễn Du; Khối công ty con do Tổng công ty nắm giữ trên 50% vốn điều lệ; Khối công ty con do Tổng công ty nắm giữ trên 50% vốn điều lệ.
Tính đến hết năm 2021, tổng giá trị vốn đầu tư ra ngoài doanh nghiệp của Công ty mẹ – Tổng công ty là 5.591,9 tỷ đồng. Trong đó, vốn đầu tư vào các công ty thuộc lĩnh vực kinh doanh chính của Tổng công ty là 5.448,3 tỷ đồng (gồm các công ty sản xuất thuốc điếu và các nguyên phụ liệu phục vụ ngành thuốc lá), chiếm 97,43% tổng vốn đầu tư. Còn lại là các khoản đầu tư nhỏ ngoài ngành sản xuất kinh doanh chính, đang tiến hành thoái vốn hoặc xin chủ trương thoái vốn là 143,6 tỷ đồng.
Mặc dù năm 2021, dưới tác động của dịch COVID-19, sản xuất – kinh doanh của ngành thuốc lá gặp rất nhiều khó khăn, nhưng hầu hết các công ty có vốn đầu tư của Tổng công ty đều có lãi, tình hình tài chính nhìn chung an toàn, lành mạnh. Trong đó, Công ty Liên doanh Thuốc lá BAT – Vinataba và Công ty TNHH Liên doanh VINA-BAT là hai đơn vị có tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu cao nhất (lần lượt là 327,6% và 251,8%). Tỷ suất lợi nhuận chuyển về Tổng công ty trên vốn đầu tư của Tổng công ty trong năm 2021 của hai đơn vị này cũng là cao nhất (340,7% và 195,41%).
Các đơn vị khác có tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu ở mức khá cao bao gồm Công ty TNHH Thuốc lá Hải Phòng (29,81%), Công ty Cổ phần Cát Lợi (27,42%), Công ty TNHH Vinataba – Philip Morris (21,35%), Công ty Cổ phần Lương thực Thực phẩm Colusa – Miliket (21,62%)…
Thực tế, để hoạt động của Người đại diện phát huy hiệu quả, thời gian qua, Tổng công ty đã ban hành Quy chế hoạt động của Người đại diện đối với phần vốn của Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam đầu tư vào doanh nghiệp và Quy chế Giám sát tài chính và đánh giá hiệu quả hoạt động đối với doanh nghiệp là công ty con và công ty liên kết của Vinataba. Đây là cơ sở để 3 năm trở lại đây, Người đại điện đều đạt mức hoàn thành đến hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; góp phần để công tác quản lý vốn đầu tư được thực hiện nghiêm túc, đúng quy định.
Phát huy hiệu quả hơn nữa vai trò của Người đại diện
Bước sang năm 2022, với mục tiêu đảm bảo thống nhất, phù hợp với các quy định mới của pháp luật và tình hình thực tiễn trong công tác quản lý, Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam đang khẩn hoàn thiện Quy chế quản lý Người đại diện. Đồng thời đưa ra các định hướng đối với việc thay thế, bổ sung Người đại diện; quy định rõ hơn về quyền, nghĩa vụ của Người đại diện.
Cụ thể nhấn mạnh tới việc, Người đại diện phải chỉ đạo sâu sát, hiệu quả các lĩnh vực công tác trọng yếu để thực hiện đúng các quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ của Người đại diện. Trong đó có việc xây dựng và triển khai các giải pháp điều hành hoạt động sản xuất –kinh doanh của đơn vị phù hợp với tình hình mới, thích ứng an toàn, linh hoạt và hiệu quả trong công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 nhằm hoàn thành tốt kế hoạch năm 2022 đã đề ra.
Song song với đó, Người đại diện phải nắm vững quy định của pháp luật về doanh nghiệp, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp để kịp thời có ý kiến, đề xuất, làm cơ sở để Tổng công ty xem xét, quyết định; đảm bảo việc biểu quyết của Người đại diện là hợp lệ và có giá trị pháp lý.
Đối với Người đại diện tại các Công ty đại chúng: Nghiên cứu, thực hiện theo đúng nội dung lưu ý của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước tại Công văn số 913/UBCK-GSĐC về thời gian tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên, các nội dung thuộc thẩm quyền thông qua của ĐHĐCĐ, về cam kết trình ĐHĐCĐ thông qua việc điều chỉnh ngành nghề để đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật về tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa…
Cùng với đó, triển khai các quy định mới của pháp luật về doanh nghiệp; giám sát, yêu cầu doanh nghiệp thực hiện việc biểu quyết thông qua các vấn đề thuộc thẩm quyền của ĐHĐCĐ, HĐTV, HĐQT doanh nghiệp theo đúng hình thức, trình tự, thủ tục, điều kiện được quy định tại Luật doanh nghiệp, Điều lệ, quy chế của doanh nghiệp.