Chiều 17/3 tại Hà Nội, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương tổ chức Hội thảo “Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng về xây dựng và thực hiện văn hóa doanh nghiệp trong Khối Doanh nghiệp Trung ương”.
Tham dự Hội thảo có đồng chí Trần Thanh Lâm, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; đồng chí Nguyễn Lam, Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương; đồng chí Lương Đức Thắng, Phó Cục trưởng Cục Văn hóa Cơ sở, Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch; cùng đại diện lãnh đạo Vụ Văn hóa – Văn nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương; Vụ Dân vận các cơ quan Nhà nước, Ban Dân vận Trung ương; các đồng chí thành viên Tổ Biên tập Đề án; lãnh đạo các ban, đơn vị Đảng uỷ Khối Doanh nghiệp Trung ương và gần 80 đại biểu đại diện 38 đảng ủy trực thuộc Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương.
Chủ trì Hội thảo có đồng chí Lê Văn Châu, Phó Bí thư Đảng uỷ Khối Doanh nghiệp Trung ương; đồng chí Hoàng Quốc Vượng, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam; đồng chí Nguyễn Trung Hiếu, Uỷ viên BTV, Trưởng Ban Tuyên giáo Đảng uỷ Khối.
Phát biểu đề dẫn Hội thảo, đồng chí Nguyễn Trung Hiếu, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Đảng ủy Khối cho biết, cụ thể hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng, ngày 8/6/2012, Ban Thường vụ Đảng ủy Khối đã ban hành Kết luận “về nâng cao năng lực lãnh đạo của các cấp ủy Đảng trong Khối Doanh nghiệp Trung ương về xây dựng và thực hiện văn hóa doanh nghiệp, văn hóa công sở”; Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9, khóa XI của Đảng về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, cùng các quy định, hướng dẫn là căn cứ để các đảng ủy trực thuộc rà soát bổ sung quy chế, quy định về các hành vi văn hóa trong ứng xử, giao tiếp nơi công sở; quy tắc đạo đức nghề nghiệp, gắn với xây dựng chuẩn mực đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, công nhân viên chức lao động; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ,…
Tuy nhiên, thực tế vẫn còn một số cấp ủy chưa kịp thời cụ thể hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng; công tác phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, tha hóa quyền lực đối với cán bộ, đảng viên chưa thật sự hiệu quả; vẫn còn trường hợp có sai phạm nhưng chưa hoặc chậm được phát hiện.
Công tác chính trị tư tưởng ở một số tổ chức đảng trong Khối chưa được quan tâm đúng mức, một số nơi cán bộ lãnh đạo cấp cao của doanh nghiệp vi phạm kỷ luật đảng, vi phạm pháp luật đến mức bị khởi tố, bắt giam làm giảm uy tín của tổ chức Đảng, ảnh hưởng môi trường văn hóa của doanh nghiệp.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung trao đổi, đánh giá thực trạng, kết quả việc tổ chức, triển khai thực hiện các quan điểm, chủ trương của Đảng về xây dựng và thực hiện văn hóa doanh nghiệp qua đó góp phần làm sáng rõ thêm những giá trị khoa học – thực tiễn của tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm của Đảng về văn hóa doanh nghiệp, văn hóa trong kinh doanh; tiếp tục cụ thể hóa văn kiện Đại hội XIII của Đảng và triển khai hiệu quả Kết luận của đồng chí Tổng Bí thư tại Hội nghị văn hóa toàn quốc.
Theo Trưởng Ban Truyền thông và Văn hóa doanh nghiệp, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) chia sẻ: Trải qua hơn 6 thập kỷ hình thành và phát triển, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Tập đoàn/Petrovietnam) có bề dày lịch sử gắn liền những đổi thay của đất nước. Chính trong quá trình xây dựng và phát triển, cốt cách và bản sắc riêng biệt của người lao động Dầu khí dần được kết tinh cùng năm tháng đã tạo nên truyền thống văn hóa của những người đi tìm lửa và hình thành nên bản sắc của văn hoá Dầu khí; Sau 4 năm thực hiện Nghị quyết, PVN đã định hình được hệ giá trị cốt lõi, hoàn thiện cẩm nang văn hóa dầu khí, ban hành Lược sử ngành Dầu khí Việt Nam, Sổ tay văn hóa PVN và Bộ nhận diện thương hiệu mới. PVN đã thống nhất nhận thức từ lãnh đạo đến người lao động về vai trò quyết định của văn hóa doanh nghiệp đối với chiến lược phát triển; trong đó, điểm nổi bật là “quản trị biến động” trong 3 năm qua đã trở thành văn hóa trong quản trị doanh nghiệp của PVN, tạo nên những thành tích ấn tượng, là động lực cho tăng trưởng, là bài học kinh nghiệm, để PVN phát triển bền vững, khẳng định thương hiệu tập đoàn kinh tế năng lượng chủ lực của đất nước.
Chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn của đơn vị, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho biết: Là một ngân hàng thương mại có truyền thống lâu đời nhất Việt Nam, Đảng bộ BIDV đã sớm quan tâm đến các vấn đề xây dựng thương hiệu và văn hóa doanh nghiệp. 66 năm vượt qua nhiều thử thách khó khăn và cả vượt lên chính mình để phát triển,… lớp lớp cán bộ BIDV đã chung tay bồi đắp, tạo nên một gia tài quý báu cả về tinh thần, nhân lực, vật chất. Trong bối cảnh mới với rất nhiều sự thay đổi, Đảng uỷ BIDV càng nhận thức sâu sắc hơn vai trò của việc xây dựng và phát huy văn hoá doanh nghiệp đối với sự phát triển bền vững của BIDV. Trên cơ sở đề án Xây dựng và phát huy văn hóa doanh nghiệp, năm 2009, BIDV đã xây dựng 2 bộ quy chuẩn đạo đức nghề nghiệp và quy tắc ứng xử được thiết kế trên nguyên tắc bảo đảm môi trường hoạt động thân thiện và minh bạch. Các văn bản này không chỉ đơn thuần là cam kết mà còn định hướng các giá trị, là cơ sở để chỉ dẫn và xây dựng các chương trình hành động của BIDV; đồng thời góp phần điều chỉnh hành vi ứng xử của mỗi cán bộ nhằm bảo đảm lợi ích của BIDV.
Với Đảng bộ Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam, theo đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo chia sẻ, việc xây dựng và phát triển văn hóa doanh nghiệp luôn gắn với mục tiêu, phương hướng và tầm nhìn chiến lược trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, sản xuất kinh doanh của Tổng công ty, đó là: Xây dựng một phong cách quản trị hiệu quả, đưa hoạt động của doanh nghiệp đi vào nền nếp; Xây dựng mối quan hệ hợp tác thân thiện giữa các thành viên trong doanh nghiệp, tạo nên sức mạnh tập thể, đoàn kết, gắn bó, thương yêu nhau; Cùng hướng tới mục tiêu chung là xây dựng doanh nghiệp, đơn vị ngày càng phát triển bền vững. Đảng ủy Tổng công ty đã ban hành 2 Nghị quyết chuyên đề về Xây dựng và phát triển văn hóa doanh nghiệp Vinataba, ban hành Sổ tay văn hóa quy định những chuẩn mực, quy tắc đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công nhân viên và người lao động Vinataba nhằm định hướng hành vi, thái độ, trách nhiệm, quy tắc giao tiếp ứng xử trong các mối quan hệ tạo ra môi trường làm việc có văn hóa đồng thời nhấn mạnh những nội dung cốt lõi thể hiện nét đặc trưng riêng của Vinataba trong vai trò nòng cốt, dẫn dắt nền kinh tế cũng như giữ vai trò chủ đạo, định hướng trong ngành. Các giá trị cốt lõi “Đoàn kết – Đổi mới – Sẵn sàng – Hành động – Gia tăng hiệu quả” là tài sản lớn mà VINATABA đã gây dựng được trong niềm tin chiến lược của Đảng và Nhà nước. Những giá trị ấy là cơ sở để các thế hệ lãnh đạo và người lao động VINATABA không ngừng nỗ lực xây dựng nền tảng văn hóa VINATABA từ chính đội ngũ đoàn kết, thống nhất, với tinh thần tự hào và cống hiến hết mình vì sự phát triển bền vững của Tổng công ty, không ngừng nâng cao uy tín và thương hiệu VINATABA đủ sức cạnh tranh trong nước và thế giới.
Phát biểu kết luận Hội thảo, đồng chí Lê Văn Châu, Phó Bí thư Đảng uỷ Khối Doanh nghiệp Trung ương nhấn mạnh: Thực tiễn công cuộc xây dựng, phát triển đất nước đã cho chúng ta nhiều kinh nghiệm quý giá, trong đó có kinh nghiệm: “Bảo đảm sự gắn kết giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng chỉnh đốn Đảng là then chốt với không ngừng nâng cao văn hóa”. Những nỗ lực, cố gắng của các doanh nghiệp thuộc Đảng bộ Khối trong thời gian qua đã góp phần cụ thể hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng về xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa công sở đi vào thực tiễn cuộc sống; tạo ra bản sắc riêng của từng doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị. Một trong những nhiệm vụ quan trọng tại Kết luận số 06-KL/ĐUK của Đảng ủy Khối đặt ra với các đảng ủy trực thuộc là chú trọng ban hành nghị quyết chuyên đề, chỉ thị, kết luận lãnh đạo về văn hóa doanh nghiệp, sau 10 năm đã có những chuyển biến với 22 nghị quyết chuyên đề được ban hành. Công tác xây dựng văn hóa trong Đảng, trong doanh nghiệp tiếp tục được chú trọng, phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu; nhận thức của cán bộ, đảng viên, người lao động về xây dựng và thực hiện văn hóa doanh nghiệp được nâng cao; quan điểm “văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế – chính trị – xã hội” được quán triệt và nhận thức đầy đủ hơn, cụ thể hóa trong nhiệm vụ, chương trình, kế hoạch của mỗi doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị. Các giá trị cốt lõi của văn hóa doanh nghiệp ngày càng được thấm nhuần, dần trở thành những chuẩn mực đạo đức, lối sống của từng cá nhân và tổ chức trong doanh nghiệp; góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, công tác quản lý, điều hành của lãnh đạo doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị; tạo môi trường văn hóa lành mạnh.
Ghi nhận những ý kiến đóng góp của các đại biểu, Phó Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương Lê Văn Châu đề nghị, các cấp ủy, tổ chức đảng trong Khối cần bám sát đặc điểm, yêu cầu, chức năng, nhiệm vụ từng doanh nghiệp, ngân hàng, đơn vị để thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng và thực hiện văn hóa doanh nghiệp trong thời gian tới. Trong đó, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, hội đồng thành viên, hội đồng quản trị, ban điều hành các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị, nhất là người đứng đầu, cán bộ, đảng viên, người lao động trong công tác xây dựng và thực hiện văn hóa doanh nghiệp; xác định phát triển văn hóa doanh nghiệp là một nhiệm vụ trọng tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền và cả hệ thống chính trị tại đảng bộ, gắn mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng văn hóa doanh nghiệp với các mục tiêu, nhiệm vụ sản xuất kinh doanh.
Đồng chí Lê Văn Châu yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng đưa việc lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và thực hiện văn hóa doanh nghiệp của các cấp ủy Đảng là một trong những nội dung đánh giá, xếp loại tổ chức Đảng và Đảng viên hằng năm; xây dựng văn hóa doanh nghiệp phải gắn với công tác xây dựng Đảng, với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên.
Chú trọng xây dựng môi trường làm việc văn minh, chuyên nghiệp, hiện đại. Cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo HĐQT/HĐT, ban điều hành các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị ban hành các văn bản cụ thể hóa nghị quyết của cấp ủy về văn hóa doanh nghiệp. Nghiên cứu, ban hành, bổ sung, hoàn thiện quy chế văn hóa công sở, quy tắc văn hóa doanh nghiệp; sửa đổi các quyết định, nội quy, quy chế làm việc của doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị. Xây dựng văn hóa doanh nghiệp gắn chặt với chuyển đổi số; quan tâm xây dựng và giữ gìn uy tín thương hiệu doanh nghiệp, thương hiệu sản phẩm; chú trọng công tác bảo vệ môi trường, nâng cao trách nhiệm xã hội, vì lợi ích cộng đồng.