Truyền lửa tình yêu nghề trong gia đình 3 thế hệ gắn bó với ngành thuốc lá

Tin Hoạt động 03/04/2025

Lịch sử 40 năm hình thành và phát triển của Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam ghi dấu bằng những thành tựu đáng tự hào, là thành quả của sự chung tay, góp sức của những con người hăng say lao động, sáng tạo, nhiệt huyết, phấn đấu hết mình vì sự phát triển chung của ngành công nghiệp thuốc lá. Trong đó, xuất hiện những gia đình có nhiều thế hệ làm nghề, trở thành một hình ảnh đẹp, niềm tự hào của ngành. Gia đình cô Vũ Thị Dụ, nguyên phó tổng giám đốc, thành viên Hội đồng quản trị Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam là một gia đình tiêu biểu có 3 thế hệ (6 người) đã và đang gắn bó với ngành thuốc lá, kể từ những ngày đầu hình thành ngành công nghiệp thuốc lá Việt Nam sau giải phóng cho đến nay.

Gia đình Bà Vũ Thị Dụ, nguyên Phó tổng giám đốc, Thành viên Hội đồng quản trị Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam

Những năm tháng không quên

Trong quá trình ghi nhận và viết bài về 40 năm thành lập Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam, chúng tôi có cơ hội được gặp cô Vũ Thị Dụ, một trong những người đặt những viên gạch đầu tiên cho ngành thuốc lá Việt Nam tại miền Nam sau ngày chiến thắng 30/4/1975, miền Nam được giải phóng, đất nước thống nhất, cả nước cùng bước vào thời kỳ quá độ xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Đi qua những năm tháng chiến tranh, đi lên từ cái nghèo và những vất vả, khó khăn của đất nước dường như đã tôi luyện nên một người phụ nữ kiên cường ẩn sau vóc dáng nhỏ bé. Ở tuổi 86 cô vẫn nhanh nhẹn, minh mẫn, giọng nói sang sảng, đôi mắt tinh anh và nụ cười hiền hậu, hạnh phúc khi được kể lại những câu chuyện từ ngày đầu thành lập ngành thuốc lá ở Phía Nam.

Năm 1975, theo sự phân công của tổ chức, cô chuyển vào Thành phố Hồ Chí Minh công tác, đầu tiên làm việc cho Sở Lương thực rồi chuyển qua Công ty Thuốc lá Vĩnh Hội (trước giải phóng là Nhà máy Juan Basto, thuộc Công ty Thuốc lá Đông Dương). Chồng cô là bộ đội thuộc binh chủng radar nên rất bận, hầu như phải ở lại đơn vị, mọi việc trong gia đình đều do một tay cô quán xuyến. Thậm chí khi sinh con gái đầu lòng mới được 8 tháng tuổi, cô buộc phải cai sữa đột ngột cho con rồi đem gửi bà ngoại nuôi để lo công tác. Gia đình ở trong một căn nhà nhỏ, cô phải ưu tiên cắt ra một phần trước cửa dành để nuôi heo phục vụ kinh tế gia đình. Các con tuy nhỏ nhưng mỗi người một chân một tay phụ giúp cha mẹ.

Hồi tưởng lại kỷ niệm những ngày đầu làm việc cho ngành thuốc lá, cô chia sẻ: “Tôi và chị Khánh, sau này là Kế toán trưởng, được điều về giúp việc cho đồng chí Lê Đình Thụy, Giám đốc Nhà máy Thuốc lá Vĩnh Hội. Sau khi tiếp quản nhà máy, đồng chí Thụy, đồng chí Khánh và tôi thành lập Chi bộ đầu tiên của Nhà máy Thuốc lá Vĩnh Hội.

Nhớ lại những năm tháng làm việc cùng đồng nghiệp, xây dựng và phát triển ngành thuốc lá, cô nhắc nhiều đến ông Lê Đình Thụy, Tổng giám đốc đầu tiên của Liên hiệp Thuốc lá II (thành lập năm 1977) với sự kính trọng và ngưỡng mộ. Ông Thụy học bên Đức về, mang theo nhiều tư tưởng tiến bộ và phương pháp quản lý hiện đại, tạo nên sự đổi mới trong phương pháp quản lý ngành thuốc lá non trẻ, bước ra từ chiến tranh và khó khăn chung của thời kỳ bao cấp. Được sự chỉ đạo, hỗ trợ của Lãnh đạo các cấp, đặc biệt là đồng chí Võ Văn Kiệt (Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh lúc bấy giờ), cùng sự quyết tâm của tập thể hai Nhà máy Thuốc lá Sài Gòn và Thuốc lá Vĩnh Hội, “Chiến dịch tháng 12/1980” nhằm khẩn trương hoàn thành 40% kế hoạch năm trong tháng 12 đã thành công tốt đẹp. Kết quả này đã giúp cấp trên nhìn được nhiều vấn đề mới, cùng với thực tiễn ở các đơn vị kinh tế khác, tạo tiền đề cho những giải pháp đổi mới quản lý kinh tế của đất nước. Với cá nhân cô và gia đình, đó cũng là những ngày tháng không quên khi cô buộc phải để các con thơ tự lo cho nhau, còn mình vào Nhà máy, sát cánh cùng anh em công nhân lo chiến dịch sản xuất cả ngày lẫn đêm. Ngặt nỗi nhà cửa đơn sơ, ngay cả cái cửa ra vào làm bằng kính mà khung còn trượt cả ra ngoài, các con phải bảo nhau kê xoong nồi, nhỡ trộm vào còn được đánh động.

Con cháu cùng theo nghề

Khó khăn, vất vả bộn bề nhưng tình yêu đối với ngành thuốc lá thấm sâu trong từng suy nghĩ, từng hành động, việc làm của cô như một lẽ tự nhiên. Đồng hành cùng những thăng trầm của ngành thuốc lá, cô phấn đấu không mệt mỏi và nghỉ hưu năm 1998 với vị trí thành viên Hội đồng quản trị Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam. Ở tuổi 86, cô hạnh phúc khi cả 4 người con cùng 1 cháu rể tiếp nối nghề thuốc lá với lòng nhiệt thành và tâm huyết, tự hào vì các con đều tự lập, sẵn sàng nhận nhiệm vụ từ những công việc nhỏ nhất và phấn đấu không ngừng vì niềm tự hào của một gia đình có truyền thống. Đó là truyền thống cách mạng của một gia đình yêu nước, là truyền thống lớp cha mẹ trước, lớp con sau, tình yêu bền bỉ, tinh thần lao động hăng say, cống hiến hết mình. Tình yêu của những người “say nghề thuốc lá” cứ thế được vun đắp, trao truyền.

Niềm hạnh phúc của cô có lẽ không chỉ là nhìn thấy thành công của 2 người con gái cũng theo ngành mẹ mà cả việc hai chị đều tìm thấy tình yêu và hạnh phúc cá nhân khi đến với ngành thuốc lá. Chị Đỗ Thị Bích Dung, con gái đầu của cô trước khi nghỉ hưu là nhân viên phòng Tiêu thụ Công ty Thuốc lá Sài Gòn. Chồng chị, anh Bùi Mạnh Hùng có hơn 30 năm gắn bó với ngành thuốc lá, hiện là Trưởng phòng kho vận, Công ty Thuốc lá Sài Gòn. Chị Đỗ Bích Ngọc, con gái thứ 2, hiện làm Chủ tịch Công đoàn, Trợ lý Giám đốc Công ty Cổ phần Cát Lợi. Chồng chị, anh Phạm Hữu Tài cũng làm việc trong ngành thuốc lá được 32 năm. Hiện anh là phó phòng Kỹ thuật Công ty Cổ phần Cát Lợi. Khẳng định khó khăn luôn làm cho con người ta thêm mạnh mẽ, chị Ngọc chia sẻ hành trình trưởng thành của mình từ khi đầu quân cho Xí nghiệp In Bao bì và Phụ liệu Thuốc lá (nay là Công ty Công ty Cổ phần Cát Lợi) từ những ngày đầu tiên, khi cơ cấu tổ chức còn chưa hình thành, cơ sở vật chất sơ sài đến những bước phát triển vững chãi của Công ty hiện nay. Chính mẹ đã là người truyền lửa yêu nghề đến chị một cách tự nhiên: “Tôi tự hào về truyền thống gia đình, tôi học hỏi được nhiều từ mẹ về cách quan tâm, chăm lo đến mọi người. Những tố chất này giúp tôi rất nhiều trong những công việc liên quan nhiều đến yếu tố con người như công tác hành chính nhân sự, công tác đoàn thể. Gắn bó với ngành thuốc lá đã hơn 30 năm, thuốc lá với tôi là tình yêu. Tôi cảm ơn ngành thuốc lá đã cho tôi một gia đình lớn với những người cùng ngành nghề như mẹ, các anh chị, các cháu, cho tôi một gia đình nhỏ hạnh phúc vì nhờ có ngành thuốc lá mà tôi đã tìm được một nửa hạnh phúc của mình”.

Điểm chung trong ý nghĩ, tư tưởng của gia đình 3 thế hệ làm nghề thuốc lá là mọi người đều chung niềm tự hào và chung một tình yêu được nuôi dưỡng từ cái nôi gia đình, tự hào về ngành nghề và yêu cái ngành mà mình đã lựa chọn, gắn bó gần như suốt hành trình công tác, thân quen như là hơi thở của cuộc sống. Mỗi người đều tự mang trong mình sứ mệnh làm dày hơn truyền thống tốt đẹp của gia đình thông qua những công việc cụ thể, dù là nhỏ nhất, luôn tận tụy, phấn đấu hết mình vì công việc, không quản ngại khó khăn. Có được sự tự hào ấy, sự gắn bó ấy còn xuất phát, khơi nguồn từ việc Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam thật sự như ngôi nhà thứ hai ấm áp đã mang đến cho người lao động đời sống vật chất, tinh thần ngày càng đủ đầy, tạo môi trường làm việc và động lực để mỗi người đều được phát triển và đóng góp. “Mình rất tự hào được làm việc trong tập thể Công ty Thuốc lá Sài Gòn, là Công ty con của Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam. Các thế hệ lãnh đạo của Tổng công ty luôn luôn là động lực, là sự thôi thúc, là sự định hướng dẫn lối cho lực lượng trẻ phấn đấu. Ngoài ra, truyền thống đoàn kết của Tổng công ty được thể hiện qua rất nhiều mặt đã tạo nên một khối thống nhất để mọi người được phát triển và đóng góp”, anh Hùng bày tỏ.

Là thế hệ thứ 3 trong gia đình theo nghề thuốc lá, anh Nguyễn Thế Trường, nhân viên phòng Xuất nhập khẩu Công ty Thuốc lá Sài Gòn cũng cho biết: “Tôi được tuyển dụng vào làm việc tại Công ty Thuốc lá Sài Gòn. Càng làm việc, tôi càng thấy yêu nghề và gắn bó. Đặc biệt, sống trong gia đình có truyền thống làm việc lâu năm trong ngành cho tôi cảm giác thân thuộc, gắn bó, có phần tự hào nhưng cũng có phần áp lực buộc phải phấn đấu tốt hơn. Môi trường làm việc thân thiện, gắn kết, chuyên nghiệp, tạo động lực để tôi được đóng góp một phần sức lực của mình vào thành quả công việc chung. Tổng công ty như một gia đình lớn, nơi tập hợp và gắn kết mọi người bằng tình yêu thương, bằng trách nhiệm và sự hết mình trong công việc”.

Nét mặt hân hoan, nụ cười rạng rỡ của các thành viên trong gia đình 3 thế hệ làm ngành thuốc lá như lan tỏa tình yêu và say nghề. Có được vị thế dẫn đầu của Tổng công Thuốc lá Việt Nam ngày hôm nay là thành quả của sức mạnh đoàn kết, trách nhiệm, sự sáng tạo và linh hoạt của tập thể những con người yêu ngành, yêu nghề, tràn đầy nhiệt huyết, thế hệ sau bước tiếp thế hệ đi trước. Khi được hỏi, là một trong những người đặt những viên gạch đầu tiên cho ngành thuốc lá sau Giải phóng tại miền Nam, cô cảm nhận thế nào? cô Dụ bày tỏ: “Tôi tự hào vì mình là một trong những người đi tiên phong, đặt những viên gạch đầu tiên cho ngành thuốc lá sau giải phóng và hoàn thành tốt trách nhiệm của mình ở một giai đoạn có tính lịch sử. Sau này, tôi luôn theo dõi để thấy được những bước phát triển tiến bộ của ngành thuốc lá, đặc biệt là sự phát triển vượt trội về quy mô, trình độ quản lý, trình độ khoa học kỹ thuật. Tự hào về các thế hệ lãnh đạo kế tiếp giữ vững được nề nếp, truyền thống của ngành thuốc lá. Tự hào vì những thế hệ sau được thừa hưởng di sản của thế hệ trước đã biết phát huy và làm nó ngày càng dày hơn, phong phú hơn”.

Thành phố Hồ chí Minh, tháng 2/2025

  • Tag:

Bài viết liên quan